Bộ TT&TT: Đảm bảo mỗi người dân sẽ có một máy điện thoại thông minh

Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác với nhau đảm bảo mỗi người dân sẽ có một máy điện thoại thông minh tạo tiền đề cho chuyển đổi số.

Ngày 6/7, phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Bộ TT&TT hỗ trợ hướng dẫn để 100% các địa phương lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới; nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động lên 17-20%.

Đáng chú ý, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất smartphone và các doanh nghiệp công nghệ số nói chung hợp tác để đảm bảo mỗi người dân sẽ có một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.

Thứ trưởng cũng cho biết, ngay trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm các tỉnh/thành phố.

“Trong tháng 7, Bộ TT&TT sẽ cho triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam vào tháng 10”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Bộ TT&TT)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Bộ TT&TT)

Cũng tại Hội nghị, Bộ TT&TT trao bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị đã có đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Theo Bộ TT&TT, trong thời giai đoạn gian cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, ngành TT&TT vẫn duy trì dòng chảy vật chất không ngừng nghỉ, giao thương thông suốt hàng hóa, chung tay đẩy lùi đại dịch.

Với phương châm hành động “biến nguy thành cơ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Không vì đại dịch mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng”. Từ quyết tâm đó, toàn ngành TT&TT đã chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội tạo nên cuộc “chuyển mình” nhanh chóng, thu về kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, bưu chính có tổng sản lượng gói, kiện tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Viễn thông thực hiện 11 đợt nhắn hơn 15 tỷ tin nhắn tới 2 tỷ lượt thuê bao; hơn 2,6 triệu tin nhắn ủng hộ với giá trị hơn 152 tỷ đồng; tăng 50% dung lượng data mà không tăng cước; miễn phí cước data cho học sinh và giáo viên khi sử dụng nền tảng trực tuyến tới hơn 30.000 trường học…

Ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua thực hiện cuộc thao diễn thực chiến lớn nhất từ trước đến nay với gần 1.000 kỹ sư từ các doanh nghiệp, phát triển trên 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch.

Hoạt động trên không gian mạng tăng lên nhưng số lượng cuộc tấn công mạng giảm 26% so với 6 tháng cuối năm 2019 và giảm 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019. Doanh thu an toàn an ninh mạng 6 tháng đầu năm tăng 67,8% so với cùng kỳ so tháng đầu năm 2019. Trong đó, doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% năm 2019 lên 50,8% vào tháng 6/2020.

Công nghiệp ICT đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G; thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G Make in Việt Nam và dự kiến một số thiết bị 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hóa vào cuối năm 2020.

Đặc biệt, báo chí tuyên truyền đã thực sự trở thành một trong những lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch, đã đăng tải tổng số gần 600.000 tin, bài về dịch COVID-19.

Đồng hành với những khó khăn của các cơ quan báo chí trong thời gian quan, Bộ TT&TT sử dụng 9 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của Bộ để đặt hàng báo chí và truyền hình; huy động được 3 tỷ đồng từ các doanh nghiệp ICT để hỗ trợ trực tiếp cho các phóng viên đang tham gia ở tuyến đầu chống dịch.

Bộ cũng đã chỉ đạo các nhà mạng viễn thông miễn phí toàn bộ kênh truyền và hosting máy chủ cho tất cả các cơ quan báo chí điện tử trong 2 tháng 4 và 5/2020; đồng thời tăng tốc độ đường truyền; tăng dung lượng sử dụng thêm 50% nhưng không tăng giá cho toàn xã hội.

Bộ TT&TT cũng tiếp tục triển khai thực hiện công tác quy hoạch báo chí theo đúng lộ trình của Chính phủ đề ra; tiếp tục rà soát, yêu cầu bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc; phối hợp các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Tùng Lâm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-tttt-dam-bao-moi-nguoi-dan-se-co-mot-may-dien-thoai-thong-minh-ar556084.html