Bộ trưởng Y tế nói gì về các góp ý Luật Phòng chống tác hại của rượu bia

Mặc dù Tổ chức Y học thế giới khẳng định 'không có ngưỡng an toàn nào đối với rượu bia', nhưng ĐB Dương Trung Quốc khi phát biểu trước QH vẫn khẳng định rượu bổ có tác dụng và ông sẽ mua rượu bổ về uống. Vậy Bộ trưởng Y tế đã nói gì?

Lẽ ra con người có thể sống đến 200 tuổi

Phát biểu ý kiến xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tại Hội trường Quốc hội ngày 16/11, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã đặt ra một loạt câu hỏi đối với ban soạn thảo và Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước hết, vẫn bảo lưu quan điểm bia rượu không chỉ có hại mà còn có lợi, không nên đặt tên luật là “luật phòng chống tác hại của bia rượu”, ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: “Trên thế giới có bao nhiêu nước đặt tên luật như chúng ta?”

Vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, lựa chọn phù hợp nhất hiện nay là dùng chữ "kiểm soát". “Nhà nước kiểm soát, cộng đồng kiểm soát, quan trọng nữa là mỗi người kiểm soát mình thì sẽ có sự thành công bền vững.”

Ông Quốc cũng phản biện: “Chúng ta xếp thứ 3 ở Châu Á (về tiêu thụ rượu bia – PV), nhưng Nhật Bản xếp thứ 2 thì Nhật Bản có phải là nước phát triển về kinh tế và văn hóa không?

Và, mặc dù Luật không quy định cấm sản xuất cũng như tiêu thụ rượu bia, chỉ đưa ra các quy định nhằm hạn chế tính sẵn có của mặt hàng này để ngăn chặn tình trạng trẻ hóa lực lượng uống rượu bia, nhưng vị đại biểu tỉnh Đồng Nai vẫn dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế một câu hỏi vặn: “Ngay khi luật được thông qua, Bộ Y tế có hạn chế việc sản xuất các loại rượu bổ không? Bởi vì rượu bổ có tác dụng nhất định, nếu không thì chúng tôi sẽ mua rượu bổ về uống vậy.

Đại biểu Dương Trung Quốc

Trả lời những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Trưởng Ban soạn thảo Luật cho biết, các ý kiến của các đại biểu đều xác đáng ở những góc cạnh khác nhau và “Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần xây dựng luật và những nội dung khi ban hành chính sách là vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm.”

“Luật này rất khó bởi vì nó có những sự tương đối đối đầu với nhau giữa mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất, kinh doanh cũng muốn doanh thu và lợi nhuận” – bà Tiến nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, hơn 100 nước xây dựng luật, kể cả những nước có nền sản xuất và xuất khẩu rượu bia lớn nhất cũng đều theo nguyên tắc của Y tế thế giới và quốc tế, với 3 giải pháp cơ bản: Một là giảm tính sẵn có (như quy định giờ bán, tuổi được bán, địa điểm bán v.v...); Hai là phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa là giảm bớt người uống, vừa tăng nguồn thu của ngân sách; Ba là kiểm soát vấn đề quảng cáo.

“Chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa lợi về kinh tế và lợi về an sinh xã hội, sức khỏe con người. Các yếu tố phân tích của các đại biểu đã rất xác đáng. Nếu chúng ta không làm nữa thì không thể vì sức khỏe nhân dân, như Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.” - Bộ trưởng nói.

Bà Tiến cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất tại Liên hợp quốc, các nguyên thủ quốc gia, các Tổng thống và Thủ tướng, ít nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế đã có phiên thứ 3 bàn về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tức là tim mạch, ung thư, tiểu đường thì có 4 giải pháp chính.

“Một là chế độ dinh dưỡng. Hai là hút thuốc lá. Ba là tác hại của rượu, bia. Bốn là ít vận động cơ thể. Đây là bốn nguyên nhân và cũng là giải pháp để phòng, chống những bệnh gây ra 77% các ca tử vong hiện nay trên thế giới, và giúp cho tuổi thọ của con người.” – bà Tiến thông tin.

Bộ trưởng cũng nói thêm: “Đáng lẽ về khoa học là có thể sống trên 150 tuổi - 200 tuổi, nhưng tại sao bây giờ chỉ ở dưới ngưỡng 70 tuổi đến tối đa là 83 tuổi như một số nước đã phát triển? Đây là những nguyên nhân chính. Vì thế, luật này này chúng tôi đã nhất trí và các đại biểu đã ủng hộ là càng sớm càng tốt, đáng nhẽ là sớm hơn nữa, cũng như là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Chỉ phòng tác hại, không đả động gì đến văn hóa uống rượu bia

Về tên gọi của Luật, Bộ trưởng cho biết đã thảo luận rất nhiều và Ban soạn thảo cũng mong muốn được giữ tên như đã trình là Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

“Đấy là quan điểm vừa dễ hiểu, vừa đơn giản và người ta chỉ phòng chống tác hại của rượu và bia chứ không đả động gì đến ảnh hưởng văn hóa của rượu và bia hiện nay. Nó chống tác hại trong tất cả các quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và cách uống” - Bộ trưởng khẳng định.

“Ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc là có bao nhiêu nước đặt tên. Tên trong tiếng Anh chúng ta dịch ra khó, ví dụ nói đồ uống có cồn thì nhân dân không ai hiểu. Còn chữ “kiểm soát” là gốc của tiếng Anh, lúc nào họ cũng dùng từ đó nhưng ở Việt Nam là phòng, chống hết. Đây là ngôn ngữ làm sao để dễ hiểu” – bà Tiến giải thích.

Đối với Nhật Bản, Bộ trưởng khẳng định: “Họ uống rượu, bia nhưng luật của họ rất nghiêm, họ có luật dinh dưỡng xây dựng từ năm 1926 và an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, văn hóa rượu của họ rất văn minh.”

Luật không cấm uống rượu bia

Về chế tài, Bộ trưởng thừa nhận, ban đầu luật quy định chế tài rất chặt, nhưng qua quá trình thảo luật, góp ý kiến của các đại biểu thì hiện nay đã bị yếu đi. “Chúng tôi đánh giá, so với thế giới là mức trung bình hơi yếu về sự chặt chẽ”.

Thậm chí, Bộ trưởng còn nói thẳng: “Có nhiều ý kiến đã gửi đến chúng tôi nói là Bộ Y tế đã mềm yếu đi trước những tác động của các doanh nghiệp mà không giữ được tính nghiêm khắc của luật như dự thảo ban đầu.”

“Chúng tôi cũng muốn luật như các nước, có những nước GDP rất cao, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu rượu, bia vào loại lớn nhưng họ đã xây dựng luật này 30 năm và 2 lần sửa đổi, đến năm nay lại sửa đổi nữa để siết chặt hơn” - Bộ trưởng chia sẻ.

Về nguồn lực, Bộ trưởng mong muốn Quốc hội thông qua điều trong dự thảo là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vì thuế này đang thấp.

“Giá rượu, bia của chúng ta vào loại thấp nhất thế giới và trong khu vực. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì nguồn thu ngân sách tăng lên và cố gắng quy định có trích phần trăm do Chính phủ quy định” - Bộ trưởng đề nghị và cho biết, hiện nay, chương trình mục tiêu về rượu bia chỉ được chi 700 triệu đồng cả nước. Với số tiền đó, chắc chắn luật này không khả thi.

Bộ trưởng một lần nữa khẳng định, Luật này được xây dựng chỉ “với mong ước được bảo vệ sức khỏe người dân tốt nhất, có lợi cho dân, bảo vệ nòi giống trước mắt và lâu dài”. Còn trên bàn cân kinh tế, xã hội, văn hóa thì Luật không ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực.

“Chúng ta uống ở mức văn minh hơn với chén rượu vui, ngon phải có bạn hiền, vẫn giữ văn hóa đó chứ không đụng chạm và cản trở. Ở đây là phòng, chống tác hại của rượu, bia, uống văn minh hơn, bảo vệ sức khỏe hơn” - Bộ trưởng khẳng định.

Về câu nói “có cấm rượu bổ không”, bà Tiến cho biết, lúc đầu khi xây dựng luật này, những loại rượu thuốc có bổ cũng bị đề nghị cấm, nhưng sau đó hội thảo nhiều, lắng nghe nhiều thì đã hạn chế nội dung đó.

“Nhưng không có nghĩa là khi luật này ban hành, tất cả đều cấm rượu, bia. Trong luật này không có một từ nào là cấm uống rượu, uống bia” - Bộ trưởng nói.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đều đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội đối với giới trẻ. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.

Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.

Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%)

Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh đã có từ rượu như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…), là một trong 4 yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tụy, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy, giảm khả năng điều khiển hành vi); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển của bào thai; suy giảm miễn dịch…

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Theo báo cáo của WHO (2014) tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.

Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

11% hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất…

(Nguồn: Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế trước Quốc hội ngày 9/11/2018)

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/bo-truong-y-te-noi-gi-ve-cac-gop-y-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-619640/