Bộ trưởng Y tế đề nghị công an cắm chốt tại viện để bảo vệ y bác sĩ

'Chỉ khi có công an cắm chốt tại bệnh viện, ở những điểm nóng liên quan đến cấp cứu, điều trị mới có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng hành hung bác sĩ', bộ trưởng nói.

Chiều 17/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với báo giới sự bức xúc khi liên tiếp cán bộ y tế bị hành hung thời gian qua và có dấu hiệu lan rộng, tăng nhanh.

Bà Tiến thừa nhận thời gian qua rất nhiều giải pháp đã được ngành đưa ra cùng với sự vào cuộc của cơ quan công an song vấn nạn bạo hành nhân viên y tế không những không giảm mà có xu hướng phức tạp hơn, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế.

Để ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế, thời gian qua Bộ Y tế, Bộ Công an đã ký kết quy chế phối hợp và trên thực tế sự phối hợp giữa Sở Y tế, Công an tỉnh tại nhiều địa phương đã được thực hiện tốt, nhưng vẫn còn có nơi chưa thực sự chặt chẽ khiến cho hiệu quả chưa được cao.

Bác sĩ C. bị người nhà bệnh nhi tấn công vào tối 13/4 tại BV Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: Cắt từ clip.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các cấp vào cuộc quyết liệt để đồng hành, bảo vệ và hỗ trợ ngành y tế và cán bộ y tế để họ không đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình khi đang làm nhiệm vụ.

Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan báo chí và cộng đồng lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.

"Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kiến nghị liên quan đến tình trạng này. Đồng thời, Bộ Y tế đã ký kết với Bộ Công an trong việc phối hợp đảm bảo an ninh tại các bệnh viện" - người đứng đầu ngành y tế cho biết.

Trước hàng loạt vụ bác sĩ bị hành hung trong thời gian gần đây, bà Tiến cho rằng cần phải có sự cơ động của lực lượng cảnh sát 113 tại các bệnh viện.

“Trong việc chống bác sĩ bị hành hung, lực lượng bảo vệ trong bệnh viện gần như không có tác dụng, công an phường không đến kịp được. Chỉ khi có công an cắm chốt tại bệnh viện, ở những điểm nóng liên quan đến cấp cứu, điều trị mới có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng hành hung bác sĩ”, bà Tiến nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Y tế, thời gian tới ngành Y tế và ngành Công an sẽ có những ký kết phối hợp, lập đường dây nóng để nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện để kịp thời xử lý.

Tư lệnh ngành y tế cũng mong các bệnh viện phối hợp với ngành công an lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi những hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế.

"Chúng tôi mong muốn lực lượng công an cắm chốt tại bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh viện cần phối hợp công an địa bàn gần nhất lắp đặt camera an ninh theo dõi, nắm bắt tình hình tại nơi khám chữa bệnh" - bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Liên quan tới các vụ nhân viên y tế bị hành hung, gần đây nhất, khoảng 23h30, ngày 13/4, bác sĩ trực V.H.C (29 tuổi), tiếp nhận một bé trai khoảng 7 tuổi với vết thương trên trán vào Bệnh viện Xanh Pôn (quận Ba Đình, Hà Nội). Đi cùng bệnh nhi là người đàn ông cao to, tóc buộc dài, khuôn mặt dữ dằn.

Trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người đàn ông nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ C. Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, tấn công.

Chỉ khi lực lượng bảo vệ và Công an phường Điện Biên, quận Ba Đình, có mặt, người đàn ông mới chịu dừng.

Trước sự việc này, ngày 16/4, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có yêu cầu làm rõ vụ việc.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-truong-y-te-de-nghi-cong-an-cam-chot-tai-vien-de-bao-ve-y-bac-si-post835218.html