Bộ trưởng Xây dựng: 'Không còn có việc phạt cho tồn tại nữa'

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, đầu năm 2018 đã 'không còn có việc phạt cho tồn tại nữa'. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, 'để bảo đảm thực hiện được, chúng ta phải thực hiện tất cả các khâu thật sự chặt chẽ'.

 Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Vưỡng chỗ nào để “sinh ra” 8B Lê Trực, HH Linh Đàm?

Cho ý kiến, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhắc lại, khi bấm nút thông qua Luật Xây dựng, các ĐBQH khóa 13 kỳ vọng sẽ lập lại trật tự xây dựng.

Sau 4 năm thi hành, loạt bất cập, vướng mắc phát sinh đã được chỉ ra và hệ quả là những dự án sai phạm thách thức dư luận, thể chế như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm… và hàng ngàn công trình có nguy hiểm cháy nổ được chủ đầu tư đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Theo ông, với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1-6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn… thì Luật Xây dựng, các nguyên tắc cơ bản trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định đã bị xem thường thế nào?

Rồi cơ sở lý luận nào để giải thích cho việc tăng hơn 16.000 tỷ đồng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đặt trong tương quan với sự bành trướng của cái gọi là “một vành đai, một con đường” thì liệu có vi phạm nguyên tắc minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo về an ninh, quốc phòng hay không?

ĐBQH Phạm Trọng Nhân

“Những nguyên tắc, quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng ngàn chung cư sai phạm mà báo cáo giám sát đã nêu?

Hay mới đây nhất, vụ xe container kéo sập cầu đường bộ hành ở TP Hồ Chí Minh mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế. Như vậy, khi thẩm định dự án, cán bộ, công chức có trách nhiệm đã thẩm định thế nào và thẩm định cái gì khi không có hồ sơ?”, ông Nhân đặt một loạt câu hỏi.

Theo ĐBQH đoàn Bình Dương, thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng.

“Đáng nói, các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm không hiệu quả được diễn ra”, ông Nhân băn khoăn và bày tỏ quan điểm, sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết nhưng điều cần thiết hơn là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của việc tổ chức thực hiện.

Theo ĐB Nhân, “nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ tiếp tục chất vấn ở nhiều kỳ Quốc hội”.

Không biết gắn trách nhiệm cho ai?

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) lưu ý, quy định về xây dựng hiện nay rất “chặt”. Song vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến.

ĐBQH Hoàng Văn Cường

“Thậm chí có nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai. Tôi cho nguyên nhân ở đây là chúng ta đang có một kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng”, ĐB nhận định.

Vì vậy, theo ĐB đoàn TP Hà Nội, dự thảo luật phải phân định rất rõ ràng trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch là của ở cơ quan chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng chỉ có trách nhiệm trong quá trình xây dựng. Nếu phát hiện sai phạm, cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra làm sáng tỏ, đưa ra các hình thức xử lý.

“Chúng ta cũng cần phải quy định rất rõ chế tài xử lý khi sai phạm xảy ra đối với chủ đầu tư cũng như cơ quan cán bộ quản lý nhà nước có liên quan”, ông Cường nhấn mạnh.

Giải trình, Bộ trường Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, các vấn đề bức xúc tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xây dựng được các ĐB nêu ra là hết sức xác đáng.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, theo Bộ trưởng, phải bằng cả việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp. Ông cho hay, Thủ tướng đã có quyết định thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện ở một số địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 139 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

“Báo cáo với các vị ĐBQH, từ ngày 01/01/2018 không còn có việc phạt cho tồn tại nữa. Tất nhiên để bảo đảm thực hiện được, chúng ta phải thực hiện tất cả các khâu thật sự chặt chẽ”, Bộ trưởng Xây dựng nêu.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bo-truong-xay-dung-khong-con-co-viec-phat-cho-ton-tai-nua_t114c1159n157195