Bộ trưởng 'xắn tay' làm luật

Được nhắc đến từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác của Quốc hội, song trách nhiệm người đứng đầu, cụ thể hơn là các bộ trưởng trong xây dựng, thực thi pháp luật vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật, mà hiện tại có khoảng 90% dự án luật là do Chính phủ đề xuất, nên trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng luật là rất lớn.

Gần 10 năm trước, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khi ấy đang là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng ban soạn thảo một số dự án luật và sự có mặt của ông tại nhiều hội thảo, lắng nghe góp ý, tham vấn của chuyên gia, của các đối tượng chịu sự tác động của luật, được coi là "chuyện lạ". Vì như nhận xét của Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, khi đó nhiều bộ trưởng thường ủy quyền cho thứ trưởng, thậm chí thứ trưởng còn ủy quyền cho cấp dưới nữa trong suốt quá trình soạn thảo dự án luật.

Thời điểm ấy, tại nghị trường, những nhược điểm cố hữu của công tác xây dựng luật, pháp lệnh qua nhiều kỳ họp, thậm chí qua nhiều khóa Quốc hội cũng đã được nhìn nhận. Chẳng hạn việc chậm chuẩn bị soạn thảo các dự án luật, không đồng bộ, không đảm bảo tiến độ và chất lượng, điều chỉnh chương trình quá lớn, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật…

Nguyên nhân của hạn chế này cũng có phần từ mức độ “xắn tay” vào cuộc của chính các vị tư lệnh ngành.

Tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vừa diễn ra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại một lần nữa tiếp tục “phàn nàn” về sự “ỷ lại” của nhiều bộ trưởng vào cơ quan thẩm tra. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, một số bộ trưởng, trưởng ban soạn thảo thường ủy quyền cho thứ trưởng; thứ trưởng lại ủy quyền tiếp cho cán bộ cấp vụ tham dự. Do đó, các nội dung tiếp thu, giải trình thường bị kéo dài, khó thống nhất.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật, mà hiện tại có khoảng 90% dự án luật là do Chính phủ đề xuất, nên trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng luật là rất lớn. Thế nhưng, “chúng ta hay tập trung lo vụ việc cháy nhà, chết người, dự án này dự án kia, mà chưa quan tâm nhiều đến xây dựng thể chế pháp luật. Cần thay đổi tư duy đó” - người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, không được "né" bằng cách giao việc này cho cấp phó.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập một việc được nhấn mạnh là ông đã nói nhiều lần, song giờ vẫn phải nhắc lại, đó là nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật vừa thiếu, vừa yếu.

Điều này, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng phát biểu, rằng, các bộ, ngành tập trung nhiều cho công tác điều hành, ở các bộ thì chỉ có Vụ Pháp chế tập trung xây dựng luật, thậm chí có bộ không có vụ này.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã chuyển vị trí công tác, nhưng điều bà nói thì vẫn còn nguyên tính thời sự. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói thẳng rằng, "ít có ông bộ trưởng nào tới thăm Vụ Pháp chế của bộ mình. Và hiếm có ông vụ trưởng vụ pháp chế nào lên được thứ trưởng”.

Thực tế này cho thấy, những người làm công tác xây dựng pháp luật chưa được quan tâm, trọng dụng đúng mức. Trong khi, như Thủ tướng Chính phủ khẳng định, xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững.

Cần tăng cường nguồn nhân lực ưu tú để xây dựng thể chế cũng là ý kiến được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị. Ông Lộc cho rằng, các bộ trưởng cần phân công cho chính mình xây dựng thể chế, chứ không nên "dành" nhiệm vụ quan trọng này cho thứ trưởng.

Không phải vô cớ mà Chủ tịch VCCI nhấn mạnh vấn đề này, bởi VCCI là một đầu mối tham gia khá sâu vào quá trình tham vấn, phản biện nhiều dự luật. Ông Lộc cũng là đại biểu Quốc hội đương nhiệm.

Và Quốc hội cũng đã "khó tính" hơn. Chỉ trong hai ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 10 vừa qua, đa số đại biểu đã không đồng ý với việc ban hành mới một đạo luật và tách một luật hiện hành thành hai luật. Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở tại hội nghị sau đó rằng, nếu làm luật không tốt thì không thể thông qua được ở Quốc hội.

Luật chỉ có thể tốt nếu người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo xắn tay lo việc một cách thực chất, không vì “quyền anh, quyền tôi”, mà vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-truong-xan-tay-lam-luat-d133959.html