Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Bộ tem đặc biệt giúp hiểu thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chào mừng và Ngày Quốc khánh mùng 2/9; nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2017), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)'.

Bộ tem bưu chính “Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)”.

Tại lễ phát hành, đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có bài phát biểu, báo Tin Tức xin được trích đăng.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước.

Năm 14 tuổi, đồng chí đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu những tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bãi khóa ở trường Quốc học Huế.

Năm 1927, gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - Một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930, đồng chí tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và được kết nạp vào Đảng năm 1940.

Tháng 12/1944, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong năm 1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là vị Tổng Tư lệnh Quân đội đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt, năm 1954, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí đã chỉ huy các đại đoàn của quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong công cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, đồng chí đã tham gia các chiến dịch đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà sử học Quân sự Mỹ Cecil Currey, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam”, đã nhận xét: Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại…”.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội suy tôn đồng chí là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo.

Cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời để cho chúng ta học tập.

Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của Đại tướng được khắc ghi cho muôn đời con cháu mai sau và sẽ sống mãi cùng dân tộc Việt Nam, người đã sống và suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Cũng chính vì lý do đó, ngày hôm nay 25/8/2017, để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những công lao to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chiến sỹ cách mạng kiên cường, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân và góp phần giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phát hành và tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)” tại quê hương Quảng Bình của Đại tướng.

Bộ tem “Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)” gồm 1 mẫu tem và 1 blốc tem, được thể hiện bằng bút pháp hội họa đặc trưng với sự phối mầu chặt chẽ.

Với mẫu tem, bằng phương pháp tả thực, tác giả thể hiện hình ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trang phục giản dị, gần gũi của quân đội, nhưng toát lên khí phách của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo chính trị quân sự lỗi lạc, một vị tướng có tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Nền mẫu tem là hình ảnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh.

Với Blốc tem, trong khuôn khổ rộng, chân dung Đại tướng được lấy làm hình ảnh trung tâm. Nền blốc phác họa hình ảnh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng, với ngôn ngữ hội họa đặc trưng, bộ tem bưu chính là một thông điệp đa chiều, hàm chứa nhiều ý nghĩa, sẽ giới thiệu với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chúng ta”.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/bo-truong-truong-minh-tuan-bo-tem-dac-biet-giup-hieu-them-ve-dai-tuong-vo-nguyen-giap-20170825144658843.htm