Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phát triển bền vững, khai thác tốt lợi thế các trung tâm năng lượng lớn

Nghị quyết 55/NQ-TW đã khẳng định cần tiếp tục phát triển bền vững trung tâm năng lượng lớn của cả nước, khai thác tốt lợi thế từ những trung tâm điện gió, đặc biệt trung tâm điện gió ngoài khơi hay những trung tâm năng lượng sạch, trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng khí. Đây là cơ sở để Bộ Công Thương cùng phối hợp với các Bộ ngành thực thi Nghị quyết 55 và Chương trình hành động của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định như vậy tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam, diễn ra sáng ngày 22/7/2020.

Đảm bảo hiệu suất sử dụng năng lượng

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, hiện nay, ngành năng lượng của Việt Nam đã không còn phù hợp với chiếc áo đang khoác trên mình. Với những yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng này, đòi hỏi có sự cởi trói, tạo nên chiếc áo mới cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng khẳng định, Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Quan điểm và mục tiêu phát triển năng lượng của Nghị quyết 55 là rất rõ ràng. Nghị quyết 55 đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đưa ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đơn cử như việc xây dựng Tổng sơ đồ điện mới, những dự án năng lượng mới với cơ cấu nguồn hợp lý, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững của ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng đồng thời tạo điều kiện cho công nghệ mới, cho nguồn năng lượng sạch, năng lượng thân thiện với môi trường tiếp cận thị trường Việt Nam và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Những yêu cầu đổi mới trong các mô hình, trong đầu tư phát triển năng lượng, trong đó tạo thuận lợi hóa cho các khu vực tư nhân, kể cả các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước tham gia vào hệ thống nguồn, hạ tầng điện năng và hạ tầng năng lượng nói chung trên cơ sở đổi mới hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững cho hoạt động đầu tư” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích cụ thể.

Ngoài ra, những quan điểm liên quan đến vấn đề phát triển năng lượng toàn diện, không chỉ vấn đề phát triển nguồn, phát triển hạ tầng mà còn phải hướng tới việc đổi mới cơ cấu kinh tế, đảm bảo hiệu suất sử dụng năng lượng của người dân, trên cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55 đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7/2020, nhưng có những việc Bộ Công thương đã phải triển khai sớm hơn.

Bộ Công Thương cũng đã triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020, cùng đó là Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII.

Khai thác tốt lợi thế địa phương

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn tiếp thu ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có kiến nghị, báo cáo với Chính phủ từ thực tiễn làm thí điểm cho đến những đề xuất về cơ chế chính sách, cần tháo gỡ để tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt khu vực doanh nghiệp tư nhân theo quan điểm rất đổi mới của Nghị quyết 55 để ngành năng lượng phát triển bền vững.

Bộ trưởng chỉ ra, Nghị quyết 55 đã khẳng định cần tiếp tục phát triển bền vững trung tâm năng lượng lớn của cả nước, khai thác tốt lợi thế từ những trung tâm điện gió, đặc biệt trung tâm điện gió ngoài khơi hay những trung tâm năng lượng sạch, trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng khí. Đây là cơ sở để Bộ Công Thương cùng phối hợp với các Bộ ngành thực thi Nghị quyết 55 và Chương trình hành động của Chính phủ.

Tại Diễn đàn, đại diện đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế... đã trao đổi, đề xuất với Chính phủ, các Ban, Bộ ngành xem xét việc giải tỏa công suất cũng như tạo điều kiện để điện mặt trời, điện gió phát triển.

Trả lời những đề xuất này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét, bổ sung quy hoạch dựa trên cơ sở ý kiến nhất quán của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về luật quy hoạch, từ đó, tạo điều kiện cho các dự án và các nhà đầu tư có tiềm năng nhất triển khai tốt các ưu thế, lợi thế của các địa phương.

Bộ trưởng gợi mở, như hiện nay tỉnh Ninh Thuận đã thực sự trở thành Trung tâm năng lượng của cả nước với quy mô gần 3.000MW của điện mặt trời đã được bổ sung và 1.000MW khác của điện gió cũng đã được bổ sung. Nếu cố gắng tốt đây sẽ là một nguồn thu ngân sách, là nguồn lực đóng góp đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế địa phương. “Tuy nhiên, vấn đề kỹ thuật các cơ quan chuyên môn cần phải đảm bảo: Liên quan đến giải tỏa công suất cho các dự án, đến nay Ninh Thuận vẫn cón 675 MW của điện mặt trời chưa giải tỏa được. Nguyên nhân là do chưa đồng bộ quy hoạch và những yêu cầu mang tính đột biến của lưới điện mặt trời tái tạo trong thời gian vừa qua, có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm bổ sung quy hoạch đầu tư các hệ thống truyển tải điện đặc biệt là đường dây để đảm bảo công suất” - Bộ trưởng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, đây là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc và rất quý để chúng ta đồng bộ trong việc bổ sung quy hoạch điện gió và các nguồn điện khác trong tương lai. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm, Bộ Công Thương đồng tình trong việc phát triển điện khí, khẩn trương hoàn thiện Sơ đồ điện VIII. “Chúng tôi sẽ tổng hợp phân tích đối chiếu lợi thế sẽ có kiến nghị báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ để xem xét bổ sung vào Sơ đồ điện VIII cũng như quy hoạch điện khí quốc gia” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lan Anh- Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-phat-trien-ben-vung-khai-thac-tot-loi-the-cac-trung-tam-nang-luong-lon-140776.html