Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Kiên quyết ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam

Là Bộ trưởng thứ hai trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội liên quan đến công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành và những giải pháp phát triển ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã làm rõ nhiều vấn đề xung quanh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Tại phiên chất vấn buổi chiều ngày 6/11, bên cạnh các nhóm vấn đề "nóng", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phòng vệ thương mại trong hội nhập...

Các đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Đôn Tấn Phong (An Giang), Phan Viết Lượng (Bình Phước), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Dương Tuấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu), Ngàn Thanh Loan (Lạng Sơn), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)… đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, công tác quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng… với yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân và giải pháp của Bộ Công Thương.

Làm rõ từng nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm, đối với công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới với rất nhiều hiệp định thương mại tự do đa và song phương với những cam kết cắt, giảm thuế quan rất mạnh, mang lại cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới.

Tuy nhiên, mặt trái của những cam kết thương mại này là việc hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, nhằm lợi dụng những ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam và các đối tác quốc tế đã ký kết.

Chính vì vậy “ngay từ năm 2016-2017, Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhận thức rất rõ nguy cơ nói trên” – Bộ trưởng nói và dẫn ra hàng loạt mặt hàng, từ điện, điện tử, dệt may, day giày, gỗ dán… và gần đây nhất là vụ phát hiện kho nhôm 1,8 triệu tấn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xử lý và báo cáo Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để ngăn chặn, xử lý một cách hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giải pháp phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam

“Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về tăng cường đấu tranh ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa với 5 nhóm nhiệm vụ lớn và có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và các địa phương” – Bộ trưởng khẳng định, chúng ta không chậm trễ, gây tổn hại, ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác nhập khẩu.

Cũng liên quan đến công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm lợi dụng ưu đãi thuế quan, Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã rất chủ động, bằng nhiều giải pháp, trong đó có Đề án đã nói trên. Riêng Bộ Công Thương đã kịp thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những cơ chế, chính sách kịp trong quản lý, giám sát hoạt động đầu tư, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để có những cảnh báo sớm về nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

“Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép xây dựng Thông tư nhằm hạn chế nhập khẩu, chuyển tải 5 nhóm hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu ví dụ điển hình và cho biết thêm, với các mặt hàng xuất khẩu khác, Bộ đã và sẽ phối hợp với các cơ quan hưu quan, nhất là các hiệp hội ngành hàng cảnh báo nguy cơ gian lận xuất xứ, nguy cơ bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại.

Các đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương

Cũng theo Bộ trưởng, trong nỗ lực đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm xuất xứ hàng hóa…, cùng với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các lực lượng chức năng khác, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường với một trong những nội dung hết sức quan trọng là nâng cấp Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường.

Và sau hơn một năm thành lập, đến thời điểm này, Tổng cục Quản lý thị trường đã có bản hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức theo hướng tinh giản bộ máy, song vẫn phải đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác chuyên môn.

“Đặc biệt, thông qua cơ chế phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với các cơ quan chức năng và các địa phương, kết quả công tác chuyên môn đã và đang từng bước nâng lên rõ rệt” – Bộ trưởng khẳng định. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng thẳng thắng thừa nhận, công tác này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

“Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai nhiều Đề án, từ chống đường cát nhập lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…), chống hàng hóa vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ… trong đó, tập trung vào những khu vực, địa bàn trọng điểm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng hàng hóa giao dịch qua hình thức thương mại điện tử, Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm. Tuy nhiên, do khung khổ pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này hiện chưa hoàn thiện nên xuất hiện tình trạng lợi dụng môi trường kinh doanh trên mạng để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các thông tư điều chỉnh với mục tiêu dần hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng đó, Bộ cũng tiếp tục cập nhật, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến các luật, bộ luật khác, như: Luật An ninh mạng, Luật Quảng cáo… để phát triển thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia vào hình thức thương mại này.

Thu Hằng - Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-kien-quyet-ngan-chan-tinh-trang-hang-nuoc-ngoai-doi-lot-hang-viet-nam-127834.html