Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Khoác áo mới' cho ngành năng lượng Việt Nam

Dù đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, song ngành năng lượng Việt Nam được đánh giá là 'đang mặc một chiếc áo chật'. Nghị quyết 55 sẽ khắc phục được những hạn chế hiện có, tạo bước đột phá trong phát triển ngành năng lượng quốc gia.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam sáng 22/7/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, hiện nay, ngành năng lượng của Việt Nam đã không còn phù hợp với chiếc áo đang khoác trên mình. Với những yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng này, đòi hỏi có sự cởi trói, tạo nên chiếc áo mới cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Do vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm. Bởi 2020 là năm cuối cùng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, và là năm chúng ta đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 10 năm tới, thể hiện được quan điểm, tầm nhìn của Đảng đối với phát triển năng lượng của quốc gia.

Nghị quyết 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần cởi trói, "khoác áo mới" cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh hội nhập hiện nay

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần cởi trói, "khoác áo mới" cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh hội nhập hiện nay

Quan điểm và mục tiêu phát triển năng lượng của Nghị quyết 55 là rất rõ ràng. Nghị quyết 55 đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đưa ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Nghị quyết cũng xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo. Nghị quyết 55 đã mở ra những cánh cửa mới, cho phép chúng ta tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

“Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7/2020, nhưng có nhiều việc Bộ Công Thương đã phải triển khai sớm, thậm chí triển khai từ khi chưa có Chương trình hành động của Chính phủ để sớm có những giải pháp thực hiện", Bộ trưởng thông tin.

Theo đó, Bộ Công Thương triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020. Cùng với đó là Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam. Đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong khi chờ Quy hoạch điện VIII.

Dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 55, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh

Có thể nói đây là các đề án có tính nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, ngành điện Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với đó là đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách; Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành năng lượng, đảm bảo môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Bởi, cơ sở hạ tầng năng lượng chính là mạch máu đảm bảo sự lưu thông, vận hành trơn tru của toàn ngành năng lượng. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng bằng cách hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng truyền thông số; hệ thống giám sát, quản lý năng lượng tự động, báo cáo thống kê năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả ngành năng lượng".

Diễn đàn với sự tham gia đông đảo của lãnh đạo cấp cao đến từ các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương, cũng như các chuyên gia đầu ngành năng lượng trong nước và quốc tế

Tại Diễn đàn, đại diện đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế... đã trao đổi, đề xuất với Chính phủ, các Ban, Bộ ngành xem xét việc giải tỏa công suất cũng như tạo điều kiện để điện mặt trời, điện gió phát triển.

Trả lời những đề xuất này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét, bổ sung quy hoạch dựa trên cơ sở ý kiến nhất quán của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về luật quy hoạch, từ đó, tạo điều kiện cho các dự án và các nhà đầu tư có tiềm năng nhất triển khai tốt các ưu thế, lợi thế của các địa phương.

“Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đã thực sự trở thành trung tâm năng lượng của cả nước với quy mô gần 3.000 MW của điện mặt trời đã được bổ sung và 1.000MW khác của điện gió đã được bổ sung. Nếu chúng ta cố gắng tốt, đây là một nguồn thu ngân sách và là nguồn lực đóng góp vào địa phương và đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế địa phương”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, có các vấn đề kỹ thuật các cơ quan chuyên môn cần phải đảm bảo, trong đó có vấn đề giải tỏa công suất cho các dự án. Hiện nay, Ninh Thuận vẫn còn 675 MW của điện mặt trời chưa giải tỏa được. Nguyên nhân là do chưa đồng bộ quy hoạch và những yêu cầu mang tính đột biến của lưới điện mặt trời tái tạo trong thời gian vừa qua.

“Đây là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc và rất quý để chúng ta đồng bộ trong việc bổ sung quy hoạch điện gió và các nguồn điện khác trong tương lai”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có kiến nghị, báo cáo với Chính phủ từ thực tiễn làm thí điểm cho đến những đề xuất về cơ chế chính sách, cần tháo gỡ.

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ phát huy hết trách nhiệm của mình thông qua những giải pháp cụ thể; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng trong đầu tư, phát triển ngành năng lượng và theo quan điểm rất đổi mới của Nghị quyết 55 để ngành năng lượng phát triển bền vững.

Hạ An

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/bo-truong-tran-tuan-anh-khoac-ao-moi-cho-nganh-nang-luong-viet-nam-73570.htm