Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể bán hoặc cho phá sản dự án nghìn tỷ thua lỗ

Đánh giá một số dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ không còn hiệu quả kinh tế, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, có thể xem xét bán hoặc cho phá sản số dự án này.

Ngày 15/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi các đại biểu Quốc hội tập trung "truy" về các dự án nghìn tỷ đang thua lỗ.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Đoàn Hòa Bình đặt vấn đề, trong báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của những thua lỗ, kém hiệu quả từ 5 siêu dự án do doanh nghiệp nhà nước đầu tư, Bộ quản lý, Bộ đã chỉ rõ, không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật của nhà nước trong hoạt động quản trị, cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, các dự án này là: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; Dự án Mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư, đến năm 2009, được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam – Vinapaco; và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Dự án xơ sợi Đình Vũ.

Đại biểu Sinh đề nghị người đứng đầu ngành Công Thương làm rõ hơn sai phạm này? Đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản trị tại doanh nghiệp khi xây dựng các dự án kém hiệu quả? Đâu là trách nhiệm cơ quản quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư tại doanh nghiệp? Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư trong công tác quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong công tác quản lý của Bộ Công Thương?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 5 dự án đều được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện từ năm 2003 – 2008 và kéo dài cho đến nay trong nhiều lĩnh vực: từ lĩnh vực xơ sợi phục vụ cho công nghiệp dệt may, cho đến lĩnh vực đạm phục vụ sản xuất phân bón, xăng ethanol, sau đó là các lĩnh vực gang thép... Các dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau nên nguyên nhân dẫn đến thua lỗ cũng xuất phát từ những nguyên nhân không giống nhau. Do vậy, nếu đánh giá thì cần phải đánh giá trên cơ sở từng dự án một nếu gộp vào chung sẽ rất khó.

Tư lệnh ngành Công Thương cho biết, qua đánh giá, phân tích cho thấy, các dự án này đều có thời gian triển khai quá dài so với thời hạn của dự án đầu tư đã được thẩm định. Chẳng hạn như dự án Đình Vũ, ethanol Phú Thọ, đạm Ninh Bình. Thậm chí dự án đạm Ninh Bình không những kéo dài trong quá trình đầu tư mà cho đến nay còn không quyết toán được đầu tư mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.

Các dự án này là đều rơi vào thời điểm biến động của thị trường thế thời. Khi kéo dài quá lâu, dẫn đến thị trường thế giới ảnh hưởng đến các hạng mục và thời hạn thực hiện dự án, cụ thể là nguyên liên vật liệu cũng như thị trường hàng hóa của thế giới cũng có những biến động. Ví dụ, dầu khí, dầu thô, những sản phẩm từ dầu từ mức hơn 100 USD/thùng, thậm chí 147 USD/thùng (những năm 2008) sau đó tụt và giữ ở mức trên dưới 40 USD/thùng. Việc biến động giá nhiên liệu đã tác động đến thị trường, đầu ra của sản phẩm nhà máy và ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án. Còn như đạm Ninh Bình sản xuất phân bón từ than không thể cạnh tranh nổi với những mặt hàng phân bón sản xuất từ khí. Hoặc dự án sơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh với những sản phẩm đã được khấu hao và có giá thành rất thấp của những sản phẩm sơ sợi nhập ngoại từ bên ngoài vào được sản xuất từ nguồn của dầu mỏ.

Bên cạnh đó những tác động khách quan kể trên còn một số nguyên nhân chủ quan như: Năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Chủ đầu tư ở đây phải khẳng định theo phân cấp về mặt thể chế thì các Tập đoàn, Tổng công ty 91 khi được phê duyệt chủ trương đầu tư là người trực tiếp thực hiện quản lý về dự án đầu tư. Với tư cách chủ đầu tư và được giao quyền trực tiếp phê duyệt và thực hiện dự án, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính khả thi, kể cả về công nghệ, tư vấn giám sát, nhà thầu, đàm phán với đối tác nước ngoài...

Ngoài ra, nguyên nhân còn kể đến là năng lực còn hạn chế của các Ban quản lý dự án cũng như của những đối tượng trực tiếp được phân công giao nhiệm vụ quản lý được cụ thể trong các dự án. Ví dụ như đạm Ninh Bình, sơ sợi Đình Vũ, xăng ethanol…

Chính những hạn chế trong nguồn nhân lực dẫn đến các dự án bị kéo dài, việc thực hiện không được suôn sẻ, không đúng quy định của hợp đồng, nội dung dự án đầu tư đã được phê duyệt…

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, chính vì vậy, cho đến nay, các dự án đã nêu trên đều có những tồn tại, vướng mắc, hiệu quả kinh tế không còn. Giả sử các dự án đó đưa vào triển khai thực hiện, vận hành thương mại cũng không đủ điều kiện cạnh tranh. Thậm chí có những dựa án, doanh thu không bù đủ cho chi phí.

"Vì vậy, ở đây, quan điểm của Chính phủ cũng như các Bộ ngành khi tổ chức đánh giá các vấn đề tồn tại của dự án này, chúng ta phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Căn cứ vào các quy định chung của pháp lý để làm rõ trách nhiệm cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra", người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định.

Về giải pháp cho các dự án, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng nói thêm, hiện các giải pháp cho các dự án này cần được nghiên cứu đầy đủ, tổng thể, phù hợp với khung khổ pháp lý cũng như nguyên tắc của kinh tế thị trường nhưng phải đảm bảo được mục tiêu bảo vệ vốn, bảo đảm lợi ích tài sản của Nhà nước cũng như doanh nghiệp Nhà nước trong các dự án này.

Bên cạnh đó, các giải pháp phù hợp kinh tế thị trường, phù hợp với xu thế hội nhập và các cam kết quốc tế. Đồng thời cũng phải xem xét, làm rõ trách nhiệm, có biện pháp khắc phục triệt để thông qua quy định chung của pháp lý bao gồm bán dựa án, cho thuê, cổ phần hóa, hoặc giao lại trách nhiệm hoàn chỉnh dự án khai thác hoặc thậm chí tuyên bố phá sản.

Những vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo cho các Bộ ngành phối hợp, đánh giá toàn diện, báo cáo Chính phủ. Cụ thể, về dự án gang thép Thái Nguyên, sơ sợi Đình Vũ, xăng sinh học, Bộ Công Thương đã có giải trình với Chính phủ, cũng như đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể. Sau phiên họp Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo cho ý kiến có hướng tháo gỡ hay không, cũng như có hướng để xử lý triệt để các dự án này. Đồng thời phải xem xét, xử lý trách nhiệm, cũng như bài học kinh nghiệm rút ra để đảm báo không để tái diễn tình trạng tương tự.

Trước hết, trong trách nhiệm cần làm cẩn trọng, đánh giá đúng, đầy đủ theo quy định chung của khung khổ pháp lý, đặc biệt từng giai đoạn khác nhau đều có những khung pháp lý đã có sự điều chỉnh, thay đổi. Vì vậy chúng ta cần đánh giá đúng để xem xét rõ trách nhiệm của các cấp, các tổ chức và cá nhân. Đồng thời, cần phân định làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, vô tình hay cố tình. Trong báo cáo mới đây chúng tôi đã nêu nên không loại trừ có sự có cố tình làm sai, điều đó sẽ được làm rõ trong thời gian tới.

"Các dự án như tôi đã báo cáo được thực hiện ở các mức độ khác nhau, có tính chất đặc thù khác nhau. Chúng ta cần làm cẩn trọng. Một số dự án đã có kết luận của thanh tra Chính phủ, một số dự án có kết luận của kiểm toán nhà nước, một số dự án mới có kết luận của thanh tra bộ tài chính , một số dự án đang chịu sự thanh tra của Bộ Công Thương. Chúng tôi sẽ tổng hợp và có báo cáo đầy đủ với Chính phủ, với Đại biểu Quốc hội sau. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, việc có hay không sự cố tình, tránh nhiệm thuộc về ai cá nhân, tổ chức nào sẽ được làm rõ và chắc chắn sẽ được xét xử, kể cả với trách nhiệm hình sự", ông Trần Tuấn Anh trả lời.

VĂN HUY

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-co-the-ban-hoac-cho-pha-san-du-an-nghin-ty-thua-lo-d85207.html