Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Chúng tôi không vô cảm, thờ ơ'

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: 'Chúng tôi sẽ làm hết mình, không có chuyện vô cảm, thờ ơ đối với việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa Việt Nam'.

Tại phiên chất vấn sáng nay (7/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Chúng tôi cam kết với đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải là thiếu kiên quyết hoặc một thái độ vô cảm, thờ ơ”, trước một loạt các chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc nguy cơ hàng hóa Việt Nam gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

“Trong cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở, phạm vi điều chỉnh, hiệu quả của Thông tư để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành, sẽ có hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tăng trưởng xuất khẩu nhiều ngành hàng tăng đột biến

Đại biểu Mai Sĩ Diến (đoàn Thanh Hóa) tranh luận: “Trước thực trạng tăng trưởng đột biến của một số ngành hàng hiện nay, cử tri có quyền đặt câu hỏi trước Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương trong việc mua bán, tàng trữ hàng hóa, gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu, buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chung chuyển hàng hóa ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?”.

Đại biểu Mai Sĩ Diến (đoàn Thanh Hóa)

Đại biểu Mai Sĩ Diến (đoàn Thanh Hóa)

Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đặt vấn đề, dư luận cho rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư, làm ăn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ở các nước mà đang bị Mỹ, EU trừng phạt về mặt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm.

“Điều này dẫn đến hệ lụy là Việt Nam có thể trở thành nạn nhân bị các nước điều tra, áp dụng thuế chống bán phá giá, áp thuế tự vệ, thuế trợ cấp và làm thiệt hại trực tiếp đến các doạnh nghiệp của Việt Nam làm ăn chân chính và làm giảm thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế”, đại biểu Mai Sĩ Diến cho biết.

Trả lời đại biểu đoàn Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận có câu chuyện lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế. Điều này gây ra nguy cơ rất lớn và nguy cơ này đã hiện hữu.

“Chúng tôi đã cảnh báo trên cơ sở đánh giá cụ thể về tình trạng này. Trong cơ chế phòng bị thương mại của Việt Nam đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ bị gian lận thương mại với Hoa Kỳ và một số các quốc gia khác. Tại sao nói nguy cơ, bởi chúng ta chưa có cơ sở, mà cần các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra thực tế mới có thể phát hiện chính xác các gian lận thương mại này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam hiện đã có đề án 804 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành và hàng loạt loạt các biện pháp khác để phối hợp với các nước đối tác, để kiểm soát vấn đề về gian lận thương mại, xuất xứ nguồn gốc.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt câu hỏi: Vì sao đã nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục Quản lý thị trường với lời hứa là sẽ chấn chỉnh được công tác quản lý thị trường nhưng vẫn còn tình trạng rối loạn về thị trường, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn là vấn nạn và gây bức xúc cho nhân dân. Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong 1 năm qua, Bộ đã triển khai quyết liệt và kịp thời công tác kiện toàn tổ chức lại bộ máy theo quy định của pháp luật, của Pháp lệnh Quản lý thị trường. Trên thực tế hiện nay, toàn bộ bộ máy của Tổng cục cũng như các Cục quản lý thị trường và các đội tại các địa phương đã hoàn thiện cơ bản, hoạt động có hiệu quả, trên thực tế đã triển khai được nhiều việc tốt có kết quả trong thời gian qua.

“Đây cũng là quá trình chúng tôi tiếp tục tinh giản bộ máy và hoàn thiện công tác tổ chức theo hướng cải cách hành chính. Số lượng các đội cũng như các Cục quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh, toàn quốc đều đã cắt giảm mức độ rất đáng kể” – ông Trần Tuấn Anh nói.

Theo “tư lệnh ngành”, Bộ Công thương đã tập trung với cơ chế mới ngành dọc để chủ động hơn nữa và nâng cao trách nhiệm của Bộ và trách nhiệm của người đứng đầu cũng như trách nhiệm của hệ thống , phối hợp với các lực lượng của 389 quốc gia của Công an Hải quan, Công an, Cảnh sát kinh tế, Bộ đội biên phòng để thực thi nhiệm vụ bảo vệ thị trường. Theo ông, thực hiện nhiệm vụ phải tập trung, có trọng điểm, đánh trúng vào các đối tượng với đường dây tổ chức quy mô lớn. Đoàn công tác quản lý thị trường ở các địa phương, các địa bàn không buông lỏng để đảm bảo hiệu quả.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công thương cũng thừa nhận câu chuyện buôn lậu, gian lận, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tiếp diễn với xu hướng ngày càng phức tạp. Đây cũng là hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường và quy mô phạm vi thị trường đang trải rộng trong Quốc hội và hội nhập.

“Chúng tôi cũng nhìn nhận về trách nhiệm và thấy rõ trách nhiệm cần phải tiếp tục tăng cường chất lượng, chuyên môn, phẩm chất chính trị của lực lượng quản lý thị trường để thực thi công vụ của mình. Mặt khác tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng để tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, quy mô liên vùng, liên ngành và địa bàn trọng điểm để giải quyết triệt phá được những tổ chức, băng nhóm tổ chức buôn lậu và gian lận thương mại có quy mô và sự tổ chức”, tư lệnh ngành Công Thương nêu rõ.

Ngành tiếp tục phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị để làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về quy định của pháp luật chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng nhái vi phạm cam kết quốc tế về trí tuệ.

“Tôi cũng sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức phối hợp làm tốt hơn nữa trong thời gian tới” – ông Trần Tuấn Anh nói./.

Vân Anh-Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bo-truong-tran-tuan-anh-chung-toi-khong-vo-cam-tho-o-975702.vov