Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn dành 'ghế' ở Quốc hội cho các đại biểu chuyên trách

'Chúng tôi muốn chuyển phần này ('ghế' đại biểu Quốc hội – PV) sang để Quốc hội không tăng số lượng nhưng tăng số ĐB chuyên trách, đặc biệt là ĐB chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng phấp luật…' – Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu.

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn dành nhiệm vụ ĐBQH cho các ĐB chuyên trách có kiến thức sâu về lập pháp

Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn dành nhiệm vụ ĐBQH cho các ĐB chuyên trách có kiến thức sâu về lập pháp

Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận tại các tổ về việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội và đề án thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc cần xem lại vấn đề đại biểu chuyên trách.

“Cái này tôi nói rất thật. Cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn.

Thực tế, bây giờ nhiều việc hỏi Bộ trưởng là Bộ trưởng không nắm được đâu mà trả lời không cẩn thận bị dân là phê bình, nhưng thực ra thẩm quyền đó được phân cho UBND, HĐND và Chủ tịch UBDN các địa phương.” – ông Trần Hồng Hà, là đại biểu của đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu.

Nhận định việc các cơ quan bộ ngành của Chính phủ tham gia vào QH là rất cần thiết, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn cho rằng “chưa có sự đổi mới.”

“Chúng ta biết các ĐB là Bộ trưởng, sau này bổ sung Chủ tịch UBND cũng tham gia là ĐBQH thì khâu chỉ đạo điều hành rất khó khăn. Ở đây, Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch có những phiên chất vấn, giải trình để có những phiên chất vấn. Nhưng phải chăng cứ Bộ trưởng, Chủ tịch UBND là ĐBQH không?” – Ông Trần Hồng Hà nêu vấn đề.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Chúng tôi muốn chuyển phần này (nhiệm vụ ĐBQH – PV) sang để Quốc hội không tăng số lượng nhưng tăng số ĐB chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng phấp luật. Tôi nghĩ thế thì cần hơn.”

Ông Trần Hồng Hà dẫn chứng, kinh nghiệm ở các nghị viện thế giới cho thấy, có thể chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào chứ không phải đợi tới kỳ họp. “Yêu cầu trách nhiệm giải trình, mà trách nhiệm giải trình không chỉ Bộ trưởng mà còn cả chủ tịch UBND các địa phương. Nếu thay đổi cách làm này và quy định trong tổ chức này thì tôi nghĩ cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta. Nó vừa hiệu quả thiết thực và phù hợp hơn với vị trí chức năng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về số lượng đại biểu chuyên trách, Bộ trưởng cho biết, ông đồng tình không chỉ 35% mà 50-60% “để đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi.”

“Quốc hội một năm họp 2 lần, nhưng thực tiễn không chờ Quốc hội họp. Có bộ luật vừa ban hành xong đã phải dừng. Luật ban hành phải thực thi, nhưng thực tế không mong muốn xảy ra thì cần xem xét có cách tháo gỡ. Nếu không, vô hình chung làm chính sách để phát triển nhưng thực tế lại kìm hãm. Luật không đứng ngoài cuộc sống và không thể kìm hãm” – ông Hà nói tiếp và dẫn chứng: “Trên thực tế, có luật bị vướng nhưng đến 3 năm mới được tháo gỡ.”

Bộ trưởng đề xuất, nên giao cho UBTVQH những vấn đề nào chắc chắn, đã được khẳng định. Đối với các đoàn ĐBQH địa phương thì nên có cơ chế.

“Khi có vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa luật này, luật khác thì có cơ chế lấy ý kiến 63 đoàn, khi có ý kiến đủ trên 50% thì cho UBTVQH quyền đình chỉ” – ông Hà nói.

Theo Bộ trưởng, hiện nay kinh tế có nhiều vấn đề hệ trọng an ninh quốc gia nhưng luật sơ hở, vì vậy nên có cơ chế giao cho UBTVQH lấy ý kiến các đoàn ĐBQH, và để UBTVQH tạm đình chỉ vấn đề đó.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/bo-truong-tran-hong-ha-muon-danh-ghe-o-quoc-hoi-cho-cac-dai-bieu-chuyen-trach-642706/