Bộ trưởng trấn an chuyện nhấn chìm bùn thải

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, thế giới đều làm nạo vét và nhấn chìm chất nạo vét.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã bày tỏ quan điểm cho phép có kiểm soát quanh đề xuất nhận chìm bùn thải xuống biển Quy Nhơn (Bình Định).

Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trên thế giới, việc nạo vét luồn lạch cảng biển là cần thiết nếu không nói là bắt buộc và đều phải làm các công đoạn nạo vét thì phải nhấn chìm vật chất nạo vét.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà: Thế giới vẫn nạo vét và nhận chìm bình thường vì điều đó cần thiết.

"Quá trình nạo vét luồng lạch cảng biển là cần thiết, cần phải làm nhưng phải thận trọng. Không riêng các cảng biển Việt Nam, các nước trên thế giới đều phải thực hiện khâu đoạn này, nạo vét và nhấn chìm vật chất nạo vét" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Song ông cũng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là công tác thực hiện.

"Cần tính toán tất cả các mục tiêu để đảm bảo lợi ích môi trường và nhiều lĩnh vực khác...” - Bộ trưởng TN-MT nêu quan điểm.

Bộ trưởng TN-MT nhấn mạnh, quan niệm về vật chất nạo vét không phải là bùn thải, chất thải mà là dạng phù sa, bùn cát, cũng là một trầm tích của biển, thì nhu cầu nạo vét luồng lạch cho tàu bè ra vào là bắt buộc.

“Vấn đề ở đây là việc triển khai thế nào? Địa phương, các đơn vị chức năng phải đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, có quy hoạch, điều tra, khảo sát khu vực nhận chìm xem có đa dạng sinh học gì? Có phải là đối tượng được bảo tồn hay không?

Trong quá trình nhấn chìm phải luôn luôn giám sát tác động của nó. Bên cạnh bảo tồn, phải tính toán các mục đích khác như nuôi trồng thủy sản, khu bảo vệ thủy sản…” - Báo Dân trí dẫn lời Bộ trưởng Hà nói.

Bộ trưởng Hà cho biết thêm, trên thế giới hiện nay có nước còn nhận chìm cả chất thải nguy hại song họ có cách làm hiệu quả.

"Trên thực tế, nhiều nước còn nhận chìm cả chất thải nguy hại. Nhưng những chất thải đó được sử dụng các biện pháp để cứng hóa, bê tông hóa hoặc cô lập hóa hoàn toàn và xác định vị trí nhận chìm là ở đâu?” - ông Hà cho biết.

Bộ trưởng cũng đề xuất trường hợp tìm được một khu vực có mục tiêu lấn biển, san lấp bờ biển để kết hợp.

Trước đó, ông Trần Châu -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng lạc quan đề xuất nhận chìm khối lượng vật chất nạo vét trên 400.000 m3 của Cục Hàng hải Việt Nam.

Ông Châu cho hay, tỉnh Bình Định đã có "kinh nghiệm" khi việc nhấn chìm đã diễn ra nhiều lần, nhiều năm nhưng không có vấn đề gì xảy ra nhiều.

Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định cũng bày tỏ ý ủng hộ đề xuất nhận chìm số vật chất nạo vét. Ông giải thích, bùn cát sau nạo vét cũng đều nằm trong biển.

Rác ngập bãi biển Quy Nhơn sau cơn bão số 12, không lo ngại vật chất sau nạo vét ảnh hưởng đến bãi biển?

Trong khi các quan chức cấp tỉnh và lãnh đạo Bộ bày tỏ lạc quan về đề xuất nhận chìm khối lượng lớn hơn 400.000 m3 chất sau nạo vét, cựu quan chức và chuyên gia lại bày tỏ mối lo ngại.

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Định đã đưa ra lời khuyên cho chính quyền hiện nay là cần phải rất cẩn trọng bởi vùng biển Quy Nhơn có các dòng hải lưu có thể đẩy chất nạo vét ngược lại thành phố và gây hậu quả môi trường.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định - Nguyễn Phạm Kiên Trung cho biết, vùng biển Quy Nhơn có giá trị đặc biệt và tài nguyên vô giá là độ trong của nước, nguồn thủy sản phong phú và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu có việc nhận chìm bùn thải vì tác động tới tầng đáy, noi sinh trưởng của nhiều loài thủy hải sản.

Cũng bày tỏ lo ngại với báo Người Lao động, lão ngư Phan Văn Sơn (72 tuổi; ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cho hay, tầng đáy của vùng biển Quy Nhơn là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản bố mẹ quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhiều loài nhiễm thể sinh sống.

Đây cũng là nơi cung cấp tôm hùm giống tự nhiên cho các tỉnh Nam Trung Bộ có nghề nuôi tôm hùm.

"Ngoài ra, thảm cỏ biển, rạn đá san hô ở khu vực này cũng là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh. Bởi vậy, việc đổ bùn thải ở biển Quy Nhơn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các loài thủy sản đang sinh tồn ở khu vực này cũng như đời sống của ngư dân địa phương"- lão ngư Sơn nói.

Cúc Phương (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/bo-truong-tran-an-chuyen-nhan-chim-bun-thai-3346703/