Bộ trưởng trả lời 'nhanh như tên lửa', dân không nghe được

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét khi trả lời chất vấn trực tiếp, có bộ trưởng 'nói nhanh như tên lửa', người dân không nghe được.

Sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp Quốc hội thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trong kỳ họp vừa qua.

Đại biểu vắng nhiều, cần có cơ chế

Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn. Đại biểu Quốc hội tích cực phát biểu, không né tránh, chú trọng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm.

“Số lượng đại biểu Quốc hội vắng mặt tại các phiên họp đã giảm so với các kỳ họp trước”, ông Phúc nói.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hà.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhưng khi cho ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lại đánh giá việc duy trì sĩ số đại biểu ở hội trường và trong các phiên họp tổ trì trệ hơn.

“Có hôm họp tổ vắng đến 50% số đại biểu, hoặc trên hội trường có những ngày họp nhìn vào ghế thấy trống rất nhiều”, ông Giàu nêu thực tế. Theo ông, cần phải có cơ chế cho việc này bởi một số đại biểu vắng vì khách quan nhưng cũng có người nghỉ thì không phải lý do đó.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhắc đến khuyết điểm khi số lượng đại biểu vắng còn nhiều. “Chúng ta tự nói rằng đại biểu của ta là kiêm nhiệm, nhưng khi vắng nhiều cử tri cũng hỏi, đó là vấn đề cần chú ý để tăng cường quản lý đại biểu trong kỳ họp tới”, bà Phóng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết ngồi ở vị trí điều hành, nhìn vào sơ đồ đại biểu hiện lên máy tính là có thể biết ghế nào trống, đại biểu nào vắng. “Tôi là lãnh đạo ngồi trên này, ai bỏ trống ghế tôi biết hết. Đoàn báo vắng 5 đại biểu nhưng nhìn ghế vắng 6-7 tôi biết ngay, tôi còn đối chiếu với báo cáo hàng ngày”, bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ban Công tác Đại biểu cũng có sự kiểm soát chặt chẽ, sáng vắng bao nhiêu, chiều vắng bao nhiêu đại biểu đều nắm được và có thống kê rất chính xác. Nhưng tất cả các đại biểu vắng đều có lý do.

Bà nhận xét hai đoàn đại biểu của 2 thành phố Hà Nội, TP.HCM vắng nhiều đại biểu nhất. “Hay như tổ đại biểu của tôi, có những khi vắng quá nửa. Tôi đã phê bình vì tổ có Chủ tịch Quốc hội ngồi mà còn thế”, bà Ngân cho hay. Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ thêm khi ngồi trên vị trí điều hành rất căng thẳng và vô cùng áp lực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Hoàng Hà.

Giải thích rõ hơn việc vắng đại biểu, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định có thể kiểm soát sĩ số đại biểu bằng hệ thống máy móc hoặc con người, nhưng cũng chỉ có thể tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội có văn bản gửi trưởng đoàn nhắc nhở chứ không có chế tài gì cả.

“Theo luật, ĐBQH kiêm nhiệm có 70% làm việc khác, 30% ở Quốc hội nên phải chấp nhận thôi. Như Quốc hội Mỹ chỉ đầy đủ khi biểu quyết, còn trong các phiên thảo luận rất vắng, ai phát biểu thì có mặt thôi”, ông Phúc dẫn chứng cho cho rằng duy trì sĩ số đại biểu “rất khó”.

Bộ trưởng trả lời chất vấn “nhanh như tên lửa”

Trình bày về hạn chế của kỳ họp thứ 8, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vẫn có tình trạng chậm gửi tài liệu, nội dung thảo luận công khai nhưng tài liệu đóng dấu mật.

Bên cạnh đó, một số chất vấn còn dài dòng, chưa rõ ý. Một số phần trả lời của bộ trưởng, trưởng ngành còn chung chung, chưa đúng trọng tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Hoàng Hà.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng “không phải bộ trưởng trả lời chung chung”. Theo ông, các bộ trưởng trả lời lưu loát nhưng “nói nhanh như tên lửa”, người dân không nghe được. Dù việc này đã được nhắc nhở, theo ông Giàu, vẫn có người không duy trì được tốc độ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần rút kinh nghiệm việc nói nhanh, trả lời nhanh khiến cử tri theo dõi không kịp.

Góp ý thêm về cách thức tổ chức kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu đề xuất kỳ họp tháng 5 chỉ nên gửi báo cáo về tình hình kinh tế xã hội cho đại biểu, kèm theo báo cáo thẩm tra để đại biểu nghiên cứu. Nếu thảo luận chỉ thảo luận cái mới hoặc cách thức thực hiện.

“Là người được chủ trì nhiều phiên họp, theo dõi quá trình thảo luận tôi thấy những vấn đề đại biểu nêu của kỳ họp tháng 10 được nêu lại trong kỳ họp tháng 5. Cứ ‘diễn’ thế này mãi thì thực sự là hình thức”, ông Hiển nêu thực tế và chia sẻ thêm không biết có phải nếu không được thảo luận về kinh tế xã hội, không được truyền hình trực tiếp thì sẽ “bứt rứt” không.

Ông Hiển đề nghị rút gọn thời gian thảo luận nội dung này và cho biết đây là lần thứ 2 ông nêu đề xuất này, lần trước đã nêu nhưng không được chấp thuận.

Theo ông, kỳ họp tháng 5 nên là kỳ họp tập trung xem xét, xây dựng luật. Còn kỳ họp cuối năm chủ yếu dành cho kinh tế xã hội và những vấn đề ngân sách.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình kỳ họp tháng 5 càng rút ngắn càng tốt và nên tăng thảo luận, giải trình chứ “đừng làm bài sẵn rồi phát biểu như cũ, để ý kiến lặp lại và đọc lại như nhau”.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bo-truong-tra-loi-nhanh-nhu-ten-lua-khong-nguoi-dan-nao-nghe-duoc-post1026671.html