Bộ trưởng Tô Lâm: Sơ hở trong cơ chế đang bị lợi dụng triệt để nhằm thâu tóm đất công

'Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các 'nhóm lợi ích' nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng' - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ.

Sáng nay (13/11), Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên; công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, thu giữ lượng lớn ma túy các loại, nhất là triệt phá được tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Loóng Luông, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La, tạo chuyển biến căn bản tình hình tại địa bàn này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Đáng chú ý, các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, khủng bố phá hoại.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương.

Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; bạo hành, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng; Tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao, thủ đoạn tinh vi, tính chất manh động;

Thượng tướng Tô Lâm cũng cho biết, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công.

“Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các “nhóm lợi ích” nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng” - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ.

Cùng với đó, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến, nhất là lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp; nhập khẩu phế liệu; khai thác cát, sỏi trái phép; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng...

Tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng;

Hoạt động của tội phạm ma túy diễn ra nghiêm trọng và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến vận chuyển. Xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, xuất hiện nhiều dạng ma túy mới đang thu hút giới trẻ sử dụng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng...

Đánh giá về nguyên nhân của tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội diễn ra đáng lo ngại; hệ thống pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở…

Ông Tô Lâm cũng nêu rõ, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa phát huy tốt; công tác nắm tình hình, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân,quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở chưa hiệu quả; cai nghiện ma túy hiệu quả chưa cao, số người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn rất lớn là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm khác.

Cùng với đó là năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, cá biệt có trường hợp vi phạm bao che cho tội phạm gây dư luận xấu...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác này;

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích các luật, pháp lệnh liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là một số quy định còn khó khăn, vướng mắc trong Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để các cơ quan chức năng áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác giám sát đối với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/bo-truong-to-lam-so-ho-trong-co-che-dang-bi-loi-dung-triet-de-nham-thau-tom-dat-cong-619256/