Bộ trưởng Tô Lâm: Hoàn toàn có thể bỏ sổ hộ khẩu từ 1/7/2021

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi vào chiều nay (16/6), các ĐBQH ngành công an khẳng định hoàn toàn có thể bỏ sổ hộ khẩu từ nửa sau năm 2021...

Cần cấm đòi dân trình giấy tờ xác nhận về cư trú

“Chúng ta cho công dân có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận về nơi cư trú, nhưng chúng ta không cấm cơ quan nhà nước, các tổ chức không được bắt công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú.

Nếu nay mai tôi xin cho con tôi đi học, đến trường bảo định danh cá nhân của tôi họ không công nhận mà phải lấy giấy xác nhận nơi cư trú. Lúc đó thủ tục hành chính sẽ rất khổ cho dân”, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị phải đánh giá thật kỹ chỗ này.

Theo ông Bộ, nếu có thể được thì đưa vào luật một điều cấm các cơ quan nhà nước để khỏi xảy ra tình trạng dân sẽ phải chạy theo thủ tục hành chính.

ĐB Bế Minh Đức: Cần có lộ trình, giải pháp thực hiện đồng bộ, nếu không sẽ tự gây khó cho chính nhà nước và người dân

ĐB Bế Minh Đức: Cần có lộ trình, giải pháp thực hiện đồng bộ, nếu không sẽ tự gây khó cho chính nhà nước và người dân

Phó đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức cũng tỏ ra lo lắng khi dự luật dự kiến có hiệu lực vào 1/7/2021 và quy định từ thời điểm đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới thì cần phải nghiên cứu, xem xét thêm.

Theo ông Đức, cần có lộ trình phù hợp bởi số khẩu đối với người dân là một giấy tờ quan trọng, thông dụng để xác lập các giao dịch, quan hệ pháp luật cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân.

Chẳng hạn như mua bán điện, nước, thực hiện giao dịch với ngân hàng hay xác định để hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng, xác định diện hộ nghèo, cận nghèo hưởng chính sách…

Vì vậy, quy định như dự luật sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy định về giấy tờ công dân trong thủ tục hành chính, tác động đến các chính sách quy định về hộ gia đình.

“Tôi thấy rằng, quy định như dự thảo luật thì cần có lộ trình, giải pháp thực hiện đồng bộ, nếu không sẽ tự gây khó cho chính nhà nước và người dân”, ĐBQH tỉnh Cao Bằng lo lắng.

Ngoài ra, ông cũng băn khoăn khi hiện mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến hết tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam với gần 80 triệu công dân còn lại.

ĐBQH lo ngại thời gian nửa năm còn lại, với tiến độ như hiện nay thì mục tiêu đặt ra là khó khả thi. Tương tự, thời gian còn lại cũng khó để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mà trong thành phần thủ tục có sử dụng đến hai loại sổ trên.

Tiết kiệm, thuận lợi chứ không cản trở

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, (đoàn Bình Dương) cho rằng phương thức quản lý dân cư mới theo dự luật không chỉ giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.

Về góc độ kinh tế, ĐB Hồng cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 trường thông tin là tài sản quốc gia, tài sản của nhà nước.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng,

“Với điều kiện phát triển nền kinh tế số như hiện nay, dữ liệu điện tử nói chung và dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư được xem như một công cụ tư liệu và là sản phẩm mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định trong một số lĩnh vực”, ĐB tỉnh Bình Dương phân tích.

Theo ông, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy (chứ không phải bỏ hộ khẩu) những thông tin về hộ khẩu hiện nay được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu về cư trú và sẽ được khai thác sử dụng trong những trường hợp cần thiết.

“Việc này không cản trở việc thực hiện các quy định khác trong của các lĩnh vực khác như một số đại biểu lo lắng”, ông Hồng nói.

Ông Hồng cho rằng không phải như ĐB Đức (Cao Bằng) lo lắng, mà chính quy định như dự luật rất thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng, tránh được các loại giấy tờ, phát sinh nhiều loại giấy tờ.

“Khi chúng ta hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì dần dần bỏ được các thủ tục đó, thực tế nó sẽ thuận lợi hơn cho các lĩnh vực, cho các ngành”, ĐBQH thuyết phục.

ĐBQH cũng lưu ý, cái gì mới, cái gì khó thì bao giờ thực hiện cũng sẽ có độ trục trặc, độ vênh nhất định. Vì vậy, Chính phủ đã xác định quyết tâm thực hiện và thể hiện quyết tâm đó bằng các gói thầu triển khai.

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay bộ đã hoàn thành cơ bản, cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân, còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân, trong đó, người dưới 14 tuổi có khoảng 30 triệu.

Trước mắt ít nhất còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân trong vòng một năm nữa.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

"Chúng tôi cũng đã thu thập đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu về công dân khoảng 80 triệu người đã được đưa vào máy và đã kiểm tra. Việc này trước đây 4 năm thì mới làm được 16 triệu mà tại sao trong thời gian vừa qua làm nhanh là nhờ lực lượng công an xã chính quy thực hiện, hoàn thành được 99% ở các xã và kiểm tra được độ chính xác của các thông tin dữ liệu này", Bộ trưởng Tô Lâm giải thích.

Theo Bộ trưởng Công an, đến ngày 1/1/2021 mà hoàn thành được cơ bản việc cấp căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên thì hoàn toàn có thể thực hiện được việc cấp số định danh và tiếp tục cấp cho những người dưới 14 tuổi sau ngày 1/7/2021.

Đại tướng cũng cho hay có 167 văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu và những liên quan đến việc này, trong đó có một số văn bản thực hiện theo quy định của sổ hộ khẩu giấy thì mặc nhiên sẽ hết hiệu lực.

“Còn một số những văn bản khác, chúng tôi cũng sẽ đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội để có những điều chỉnh để phục vụ thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi cách thức quản lý này”, Bộ trưởng Công an cho hay.

Bộ Công an cấp thẻ căn cước cho các đại biểu ngoài giờ họp Quốc hội

Sau khi kết thúc phiên thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo, Bộ Công an tiến hành làm thẻ căn cước công dân 12 số mới cho tất cả ĐBQH.

Cụ thể, đối với các ĐBQH ở địa phương sẽ thực hiện các thủ tục cấp thể căn cước công dân tại nơi nghỉ của đại biểu ngoài giờ họp của Quốc hội từ tối nay (16/6)

Đối với ĐBQH TƯ và đoàn Hà Nội, thực hiện các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại phòng Thăng Long, nhà Quốc hội ngoài giờ làm việc Quốc hội bắt đầu từ 17/6.

Hiện Quốc hội có 483 đại biểu.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bo-truong-to-lam-hoan-toan-co-the-bo-so-ho-khau-tu-1-7-2021-649530.html