Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị sớm sửa xong luật Thi hành án hình sự

Để đảm bảo việc thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chúng tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp, Bộ trưởng Tô Lâm nói.Do quan điểm khác nhau nên sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án thông qua tại hai hay ba kỳ họp ...

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình ý kiến đại biểu.

Sáng 19/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Mặc dù tuyệt đại đa số các ý kiến đại biểu đều đề nghị thông qua luật theo quy trình ba kỳ họp như đề nghị của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) để đảm bảo chất lượng, song Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vẫn đề nghị thông qua theo quy trình hai kỳ họp.

Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Thi hành án hình sự lần này được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Nếu dự án luật này không được thông qua sớm thì một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật này không được thực hiện cụ thể như việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành việc cải tạo không giam giữ, thực hiện án treo... Bộ trưởng phân tích.

"Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thể hiện tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, chúng tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp", Bộ trưởng trình bày.

Sau đề nghị này, thoát ly văn bản, Bộ trưởng nói thêm là luật này rất quan trọng. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự có giá trị thực tiễn thì khâu cuối là thi hành án hình sự là khâu quan trọng, có giá trị thực tiễn. "Quan trọng hơn, đây là điểm tiến bộ thực hiện quyền công dân trong Hiến pháp đã quy định. Chúng tôi biết, việc thông qua tại hai kỳ họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định sẽ rất vất vả, nhưng tôi thấy những cái vất vả đó có thể khắc phục được, sớm khắc phục được. Còn nếu thông qua trong 3 kỳ họp mất khoảng 2 năm thì cuối năm 2020, thậm chí năm 2021 luật này có hiệu lực thì thời gian bị kéo dài", Bộ trưởng kiên trì thuyết phục.

Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, mặc dù đã có nhiều điểm mới nhưng nội dung của dự án luật này vẫn đang còn nhiều điểm quy định còn khá chung, chưa rõ được cơ chế, thủ tục, trình tự, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ trong một số chế định nên cần được các cơ quan phối hợp làm rõ hơn, cụ thể hơn để bảo đảm khả thi khi triển khai thực hiện.

Phó chủ tịch cũng điểm lại những vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận nhiều như hành án đối với pháp nhân thương mại, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, người chấp hành án, nhất là những vấn đề mới như quyền kết hôn, quyền hiến mô bộ phận cơ thể người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo như thế nào.

Ngoài ra còn có quy định về lao động của phạm nhân, trong trại tạm giam hay ngoài khu vực tạm giam, quyền, nghĩa vụ, quản lý lao động của phạm nhân như thế nào.

Đại biểu cũng còn băn khoăn về thi hành án đối với người chưa thành niên người nước ngoài, trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ hoặc cha ở trong các trại giam, trại tạm giam.

Đây là những vấn đề các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và muốn cụ thể hơn để cho dễ tổ chức thực hiện, ông Lưu nói.

Liên quan đến quan điểm khác nhau của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là thông qua tại ba kỳ họp hay hai kỳ họp, ông Lưu khái quát t đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại hội trường kiến nghị Quốc hội thông qua tại ba kỳ họp để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng của dự án luật này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã báo cáo, giải trình rất rõ về những căn cứ, lý do để đề nghị Quốc hội thông qua tại hai kỳ họp.

Phó chủ tịch cho biết, đầu giờ chiều 19/11 sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án và sáng 20/11 báo cáo lại với Quốc hội.

Đại biểu cũng có lý của đại biểu, nhưng cũng có ý của bộ trưởng nói, nếu bây giờ thông qua ba kỳ họp độ vênh về thời hiệu giữa Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và một số luật khác với luật này kéo quá dài, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói thêm.

Nguyễn Lê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/bo-truong-to-lam-de-nghi-som-sua-xong-luat-thi-hanh-an-hinh-su-20181119142808864.htm