Bộ trưởng TN&MT: Việc cấp hàng ngàn ha đất xây chùa Bái Đính, Tam Chúc chưa rõ ràng

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) về việc cấp hàng nghìn ha đất xây chùa.

Cụ thể, trong văn bản này ông Hà giải đáp các thông tin liên quan đến việc giao đất cho chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình), chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam), Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp (thành phố Hải Phòng).

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: TL

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: TL

Chùa Bái Đính: Không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất

Chùa Bái Đính mới được xây dựng bên cạnh khu vực chùa cổ Bái Đính cũ trên núi Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Khu núi chùa Bái Đính có quy mô diện tích 1.005,3 ha, nằm trong quy hoạch tổng thể Khu du lịch Tràng An.

Khu núi chùa Bái Đính mới đã được thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được tiếp tục thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 (phê duyệt năm 2014) và trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp tỉnh, huyện (được phê duyệt trong năm 2017).

Đồng thời, khu núi chùa Bái Đính thuộc quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 82/QĐ-TTg ngày 29.4.2003 và quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch Tràng An đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 10.8.2004 (quy mô diện tích là 1.566 ha), được điều chỉnh tại Quyết định số 2570/QĐUBND ngày 18.11.2005 (quy mô diện tích là 1.961 ha). Trong đó khu vực núi chùa Bái Đính có diện tích 1.005,3 ha.

Về giao đất, cho thuê đất, từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 09 Quyết định thu hồi diện tích 518,3 ha đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt) bao gồm: đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là 184,9 ha; đất do BQL rừng phòng hộ huyện Gia Viễn là 67,6 ha; đất do Ủy ban nhân dân xã quản lý là 178,9 ha; đất hoang, đất xâm canh 36,7 ha.

Đất được giao cho 03 cơ quan, gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn 4,3 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT thì: "Việc giao đất cho 03 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật đất đai nên chưa đủ cơ ở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất".

Chỉ riêng tiền xe điện chuyên chở du khách tham quan chùa Bái Đính, mỗi năm Doanh nghiệp Xuân Trường thu hơn 163 tỉ đồng. Ảnh: Nam Trần

Chùa Tam Chúc: Quyết định giao đất có điểm chưa rõ ràng

Chùa Tam Chúc mới được xây dựng bên cạnh chùa cổ Tam Chúc, thuộc quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), quy mô diện tích khoảng 4.000 ha.

Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc đã có quy hoạch tổng thể được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 15.02.2006 (quy mô 2.042,39 ha); được điều chỉnh tại Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 22.3.2012 (quy mô 5.100 ha) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 526/QĐ-TTg (quy mô 4.000 ha), gồm nhiều khu chức năng, trong đó Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc có diện tích: 1.205 ha.

Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc đã được thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất các cấp tỉnh, huyện ở các giai đoạn (2006-2010 và 2011 - 2020).

Về chủ trương đầu tư và dự án đầu tư, năm 2007,UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, với diện tích là 2.042.39 ha, chủ đầu tư là Sở Thương Mại Du lịch.

Đến năm 2008, UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân trường thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc, với diện tích là 2.042.39 ha.

Về giao đất, cho thuê đất, từ năm 2006 đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 04 Quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để phát triển Khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích là 815,1 ha.

Từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 02 Quyết định thu hồi đất đã giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và giao toàn bộ diện tích 815,1 ha nói trên cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt. Cụ thể, tại Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 04.11.2008 cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường thuê đất với diện tích 509,0 ha; thời hạn 50 năm; Tại Quyết định số 1380/QĐ-UBND ngày 09.11.2011 giao đất cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường với diện tích 306,1 ha, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.

Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại).

Chùa Tam Chúc rộng 144ha trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam). Ảnh: Nam Trần

Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc: Chưa giao đất cho doanh nghiệp

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (ATK) Định Hóa có quy mô sử dụng đất của là 19,9 ha, trong đó thuộc xã Vạn Thọ - huyện Đại Từ là 18,0 ha; thuộc xã Phúc Tân - thị xã Phổ Yên là 1,9 ha.

Với mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc phù hợp chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần lượt vào các năm 2011 và 2016. Đồng thời dự án này cũng phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên có quy mô 18.940,77 ha (theo Quyết định số 3212/QĐ-UBND ngày 24.12.2010 của UBND tỉnh), trong đó Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc là dự án thành phần (chỉ có quy mô diện tích đất là 19,9 ha), trong quy hoạch Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc.

Đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua tại Nghị quyết số 107/NQ-HĐND ngày 24.3.2016, trên cơ sở đó, ngày 06.7.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1674/QĐ-UBND đồng ý chủ trương cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 26.4.2019. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3546/QĐ-UBND ngày 13.11.2017, với mục tiêu xây dựng một khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, kết hợp các loại hình du lịch mà đặc trưng cơ bản là: lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, thăm quan, nghỉ dưỡng… đáp ứng nhu cầu tâm linh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên sân khấu ngoài trời; cung cấp các dịch vụ giải trí lành mạnh cho du khách nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc, góp phần tôn tạo, làm đẹp thêm cảnh quan thiên 5 nhiên Hồ Núi Cốc để thu hút khách thập phương và quốc tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế du lịch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Hạng mục chính của dự án gồm: Khu tháp; khu tam quan, bến thuyền; khu đền mẫu; bãi đỗ xe. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.956 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là vốn của chủ đầu tư và vốn huy động hợp pháp khác.

Về cơ cấu và hình thức sử dụng đất, khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc là một dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư với diện tích sử dụng đất là 19,9 ha. Trong đó, đối với diện tích 9,71 ha được quy hoạch là đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có công trình Đền Gàn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được xếp hạng. Việc quản lý đất đai, công trình xây dựng đối với đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Luật di sản; sau khi Doanh nghiệp đầu tư xây dựng xong công trình tôn giáo, tín ngưỡng sẽ bàn giao cho Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương để quản lý, khai thác, vận hành; tiền thu được từ việc công đức do Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam quản lý, sử dụng.

"Đối với diện tích 10,19 ha quy hoạch là đất kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp sẽ phải thuê đất với Nhà nước và trả tiền thuê đất theo quy định tại Điều 56 của Luật đất đai. Đến nay, UBND tỉnh chưa giao đất cho doanh nghiệp, do hiện nay doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định.", bộ trưởng TN&MT cho biết.

Đối với Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp (Hải Phòng), ông Hà cho biết ngày 30.10.2015, thành phố Hải Phòng có thông báo số 288/TB-UBND chấp thuận chủ trương và cho phép doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường khảo sát diện tích khoảng 500 ha tại khu vực đảo Cái Tráp, (huyện Cát Hải) để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 và Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện, UBND thành phố Hải Phòng đang làm thủ tục để hủy bỏ thông báo trên.

* Trước đó, trong tuyến bài viết Chùa, du lịch tâm linh dưới góc nhìn kinh doanh đăng tải trên Người Đô Thị đã phản ánh thực tế thời gian qua đã xuất hiện các chùa to tượng lớn được doanh nghiệp xây dựng khá rầm rộ, được coi như một sản phẩm “du lịch tâm linh”. Những dự án ấy đang hoạt động như thế nào, mang lại hiệu quả kinh tế ra sao? Không chỉ chùa Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) rộng hơn 700ha, chùa Tam Chúc rộng 144 ha trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), và hàng trăm héc ta cho chùa chiền trong Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) của Doanh nghiệp Xuân Trường, rất nhiều chùa “khủng” liên tiếp được các sư xây dựng trong mấy năm gần đây, đặc biệt là ở miền Bắc.

Có thể kể đến Khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), ngoài các chùa chiền, tượng Phật Hoàng lớn nhất Việt Nam thì tại đây vừa khánh thành giai đoạn 1 của Cung Trúc Lâm rộng 6.000m2; giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm điện thờ Phật Hoàng với quy mô lớn. Chùa Ba Vàng trước đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ bé giữa núi rừng Quảng Ninh, nhưng đến năm 2014, nó trở thành “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương” với hàng chục ngàn mét vuông.

Tại Hà Nội, nhiều ngôi chùa lớn với nhiều kỷ lục cũng được xây dựng gần đây như chùa Non Nước (huyện Sóc Sơn), chùa Khai Nguyên (thị xã Sơn Tây) với tượng Phật A Di Đà cao 72m - lớn nhất Đông Nam Á...

Chia sẻ quan điểm với Người Đô Thị, theo luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư Hà Nội), cần phân định rõ là đất dành cho tôn giáo hay dự án kinh doanh: "Đất tôn giáo, theo Luật Đất đai 2013, được UBND tỉnh cấp cho các cơ sở tôn giáo theo quy hoạch của địa phương và không thu tiền sử dụng đất, được sử dụng lâu dài, tức thuộc loại ưu tiên số một. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như lãnh đạo các địa phương đều khẳng định các chùa Bái Đính, Tam Chúc là của Giáo hội dù Doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng, thì rất có thể những dự án này không phải nộp thuế sử dụng đất.

Người dân không rõ đây là chùa để thực hành tín ngưỡng hay là cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp? Liệu có phải ở những ngôi chùa như Bái Đính, Tam Chúc... người ta đang cố tình mê hoặc dân chúng bằng đủ các loại kỷ lục chùa to tượng lớn, lợi dụng tâm linh để lôi kéo dân chúng đến khu kinh doanh để kiếm lời. Nếu doanh nghiệp công bố đây là dự án kinh tế của doanh nghiệp như bản chất nó là, thì chắc chắn số người đến với các ngôi chùa đó sẽ giảm hẳn.

Sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch cũng dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng về thuế, đất đai, nguồn vốn... Bởi lẽ, một dự án kinh tế làm du lịch thì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn... là rất khác với một công trình văn hóa tôn giáo".

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, các câu hỏi cụ thể như sau:

1. Căn cứ nào cho việc cấp hàng ngàn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để doanh nghiệp xây chùa? Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không? Việc giao đất được tính giá như thế nào?

2. Việc kinh doanh, khai thác các công trình tâm linh (chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc...) ra sao? Doanh nghiệp xây chùa rồi hiến cho nhà nước hay chính doanh nghiệp đứng ra khai thác để hoàn vốn và thu lãi? Chùa ấy do ai sở hữu? Tiền thu được thuộc về ai?

3. Các yếu tố môi trường có được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét ra sao khi mà hàng vạn người đến chùa thì vấn đề ẩm thực, vệ sinh dịch bệnh, an toàn giao thông... được phê duyệt như thế nào?

Song Ngô

Chùa, du lịch tâm linh dưới góc nhìn kinh doanh
'Trục lợi tâm linh là phản văn hóa, phi đạo đức'
Có nên quy hoạch cả ngàn ha cho du lịch tâm linh hay không?
Thu gom quá nhiều đất cho các dự án tâm linh là lãng phí nghiêm trọng
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị làm rõ về siêu dự án tâm linh của Xuân Trường

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bo-truong-tnmt-viec-cap-hang-ngan-ha-dat-xay-chua-bai-dinh-tam-chuc-chua-ro-rang-20112.html