Bộ trưởng TN-MT: Không nên khuyến khích thủy điện nhỏ

Thủy điện nhỏ không có chức năng cắt lũ, điều tiết nước, không nên phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá.

Hôm 24/10, phát biểu bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã có dịp trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề xây dựng và phát triển thủy điện tại miền Trung hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Tuổi trẻ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường là thủy điện bao giờ cũng có hai mặt.

Với thủy điện lớn, bài toán cắt lũ được giải quyết tốt, giúp điều tiết nước để cung cấp nước cho hạ du. Thủy điện nhỏ không có chức năng này, nhưng khi đi vào vận hành phải tuân thủ quy chế đảm bảo an toàn.

Có những nguyên tắc để xác định mục tiêu trong vận hành thủy điện. Đó là mục tiêu phát điện, giải quyết điều tiết nước trong mùa khô hạn. Các thủy điện phải tính đến tính an toàn, từng hồ phải đánh giá tác động tích lũy và vận hành an toàn của các hồ.

Ví dụ như không làm các đập dâng, sử dụng năng lượng thế năng tự nhiên, tức là công suất quy mô từng nhà máy thì nhỏ nhưng công suất toàn bộ trên hệ thống trên sông vẫn đáp ứng được yêu cầu chung. Như vậy chi phí đầu tư sẽ tăng nhưng tính bền vững lâu dài hơn.

Cần lưu ý, quá trình thực hiện cần lựa chọn các công nghệ liên quan đến môi trường, dòng chảy, dòng đi của cả bùn và phù sa có thể duy trì thường xuyên khi có đập thủy điện.

Hiện đã có trên 400 thủy điện nhỏ được đưa ra khỏi quy hoạch thời gian vừa qua trên cơ sở Quốc hội thảo luận và sự tham mưu của các bộ ngành. Vì vậy, trong thời gian tới, cần hết sức thận trọng trong cấp phép thủy điện nhỏ.

"Không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ." - ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Mối liên quan giữa việc phát triển các thủy điện nhỏ và tình hình lũ lụt kỷ lục ở miền Trung đã gây sự chú ý đặc biệt trong thời gian qua.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 16/10, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cho biết, nhiều hồ thủy điện dung tích nhỏ tại miền Trung không có khả năng phòng lũ, cắt lũ, khi nước về qua các tổ máy phát điện sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du.

Các hồ có dung tích lớn, có khả nước cắt lũ, xả lũ, việc chỉ đạo điều hành nằm trong điều hành liên hồ. Các hồ có dung tích phòng lũ thì nguyên tắc trong mùa lũ phải đưa lượng nước về mức đảm bảo phòng lũ, báo cho ban phòng chống thiên tai tỉnh để duy trì mực nước đón lũ, làm chậm, giảm lũ về hạ du.

Theo báo cáo từ phía Sở Công thương một số tỉnh miền Trung về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện thì các hồ nhỏ vận hành bình thường, các hồ lớn mực nước đã xấp xỉ mức mực nước dâng bình thường.

Tuy nhiên, thực tế xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho người dân những vùng hạ du năm nào cũng xảy ra nhưng tới nay những bất cập xoay quanh cái được gọi là “vận hành đúng quy trình” vẫn lặp lại và không thấy ai phải chịu trách nhiệm.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhắc lại, vấn đề phá rừng làm thủy điện, thủy điện công suất siêu nhỏ đã được ông cũng như nhiều ĐBQH các khóa lên tiếng yêu cầu xem xét, đánh giá thận trọng về tính hiệu quả cũng như những lợi ích từ thủy điện mang lại so với những thiệt hại và nguy cơ có thể xảy ra để cân nhắc, quyết định đầu tư.

Thậm chí, nhiều đại biểu nói thẳng, thủy điện là gắn với chặt phá rừng và nguy cơ gây lũ lụt, nhất là khi có thêm mưa, lũ kéo dài. Sự việc sạt lở ở Huế và các tỉnh miền Trung những ngày qua chính là một minh chứng.

Vì điều này, ngay tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Bộ Công thương đã bị yêu cầu rà soát, Chính phủ phải cắt giảm, loại bỏ hàng trăm công trình, dự án thủy điện nhỏ, siêu nhỏ, không bảo đảm an toàn ra khỏi quy hoạch.

Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Khóa XIII nói thêm, chuyện miền Trung lũ chồng lũ được cho là do thủy điện xả nước không đúng quy định đã được nhắc tới từ năm 2013.

Mặc dù, thời điểm đó, Bộ Công thương đã tiếp thu, lắng nghe, chấp nhận loại khỏi quy hoạch gần 500 thủy điện nhỏ nhưng bài toán về hiệu quả kinh tế từ việc phát triển quá nhiều thủy điện cũng như những nguy cơ tiềm ẩn, trách nhiệm quản lý, vận hành... vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện, kỹ lưỡng.

Chuyên gia góp ý sửa luật về thủy lợi

Theo phân tích của GS. TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ), các quy định liên quan thiếu chặt chẽ khiến thủy điện trở thành mặt có hại cho hạ du.

Chủ dự án thủy điện chia sẻ là sẽ bị phạt, bị truy cứu trách nhiệm nếu không cung cấp đủ điện nên nếu bắt buộc cũng sẽ hạ mực nước rất thấp

Ví dụ, trong các quy định về vận hành hồ chứa, liên hồ chứa không yêu cầu thủy điện phải điều tiết lũ, mà chỉ yêu cầu hạ mực nước dâng bình thường xuống trước khi lũ đến. Ông cho rằng, quy định như vậy là "không ổn", vì việc thủy điện cần làm là phải điều tiết lũ sao cho không gây ngập hạ du, còn nếu chỉ cắt giảm vài trăm ngàn m3 nước cuối cùng ngập vẫn hoàn ngập thì không có giá trị.

Hoặc chủ dự án thủy điện chia sẻ là sẽ bị phạt, bị truy cứu trách nhiệm nếu không cung cấp đủ điện, cho nên nếu bắt buộc phải hạ thấp mực nước thì cũng sẽ chỉ hạ xuống 1-2m. Như vậy, đối với một số nhà máy thủy điện nhỏ, công suất hơn 10MW thì cơn lũ nó gây ra phải lên tới 60-70 triệu m3 nước, mà trước lũ, thủy điện chỉ xả vài trăm nghìn m3 nước thì không đáng kể.

"Điều 45 Luật Thủy lợi quy định về an toàn đập, hồ chứa nước trong quản lý, khai thác phải bổ sung thêm ý phải “cắt giảm lũ khi hạ du đang bị ngập”, còn cắt giảm bao nhiêu thì tùy từng tỉnh phải tính.

Ngoài ra, trong Luật Phòng chống thiên tai, Điều 13 Nội dung phòng ngừa thiên tai và Điều 42 Trách nhiệm quản lý nhà nước của chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ về phòng chống thiên tai thiếu quy định về đánh giá khả năng xảy ra thiên tai trước và sau mùa mưa bão" - GS.TS. Vũ Trọng Hồng nêu.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/bo-truong-tn-mt-khong-nen-khuyen-khich-thuy-dien-nho-3421234/