Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đưa ra những giải pháp có tính khả thi cao

Bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Bắc Giang); Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đã nêu một số ý kiến đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Chiều 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội về các nội dung liên quan đến ngành. Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội: Leo Thị Lịch (Bắc Giang); Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đã nêu một số ý kiến đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

* Các giải pháp có tính khả thi cao

Đánh giá về những giải pháp thực hiện chính phủ điện tử hiệu quả được Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra trong phiên chất vấn, đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp rất tích cực và có tính khả thi cao. Ví dụ, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có giải pháp xây dựng cấu trúc chung cho hệ thống chính phủ điện tử từ các cấp, các ngành, tạo mối liên thông đồng bộ.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu đầy đủ nội dung về chính phủ điện tử. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đưa ra thêm các số liệu cho thấy việc thực hiện chính phủ điện tử là rất cần thiết nhưng để làm được là không đơn giản. Theo đó, xây dựng chính phủ điện tử cần hạ tầng, đầu tư đồng bộ giữa trung ương, địa phương, các bộ, ngành và giữa người dân để từ đó có sự đồng hành thực hiện hiệu quả nhất. Đây phải là một quyết tâm chính trị để Việt Nam xây dựng một chính phủ minh bạch, kiến tạo và phát triển.

Về vấn đề quản lý mạng xã hội, đại biểu Leo Thị Lịch đánh giá, hiện nay mạng xã hội trong nước cũng như nước ngoài đang được người dân tiếp cận dễ dàng. Phần trả lời của Bộ trưởng đối với một số giải pháp quản lý mạng xã hội đã phần nào thỏa đáng với các đại biểu. Điển hình như việc Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thắt chặt công tác quản lý hệ thống mạng xã hội trên điện tử bởi hiện nay, hệ thống này đang bị lợi dụng để nhiều đối tượng phổ biến những thông tin không đúng sự thật.

Vấn đề quản lý mạng xã hội theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi đây là vấn đề không chỉ riêng Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu, là sự phát triển của xã hội, yêu cầu tất yếu của con người. Tuy nhiên, cần phải có hướng quản lý phù hợp để mạng xã hội không được đi trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, phần trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đưa ra những giải pháp rất tích cực. “Hiện đã có cơ sở pháp luật, hệ thống chính sách có đủ căn cứ để xử lý những vấn đề này. Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đưa những ý kiến có tính khả thi nhưng mình Bộ trưởng không thể làm được mà cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp, chính quyền địa phương kể cả người dân cùng đồng hành mới làm được”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, người sử dụng mạng xã hội cũng phải có trách nhiệm xã hội, có ý thức trong việc tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội, không nên đưa lên mạng những vấn đề không có lợi cho đất nước, xã hội, cộng đồng.

Đánh giá về mạng điện tử nói chung, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, internet là một tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm cho thế giới thu hẹp lại, con người kết nối với quy mô toàn cầu. Do có tính chất phổ biến như vậy nên internet cần được quản lý chặt chẽ nhưng phải theo hướng đảm bảo chất lượng tốt hơn chứ không nên kìm hãm và hạn chế internet. Đồng thời, các giải pháp quản lý internet cần theo hướng tích cực, đảm bảo độ an toàn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với internet một cách dễ dàng nhất.

* Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả quản lý ngành thông tin và truyền thông

Chia sẻ với những khó khăn của ngành, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, lĩnh vực quản lý truyền thông, quản lý internet, quản lý mạng là hết sức khó khăn bởi đây là những vấn đề không cụ thể, lượng người sử dụng internet rất lớn, chưa có giải pháp hành chính hoặc kỹ thuật hữu hiệu nào có thể kiểm soát và ngăn chặn đầy đủ những tin xấu, độc hại lan truyền trên internet hoặc mạng xã hội khi nó xuất hiện.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là người đứng đầu ngành, phải lường hết những khó khăn trong công tác quản lý của mình, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả quản lý của ngành để có thể phát huy được những mặt tốt, yếu tố tích cực của mạng internet, đồng thời ngăn chặn được kịp thời, hữu hiệu những yếu tố độc hại trên mạng điện tử, xã hội.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cũng chú ý đến một giải pháp về mặt kỹ thuật được Bộ trưởng nêu trong phiên chất vấn. Đó là phải có một công cụ ngăn chặn, lọc thông tin độc hại ngay từ khi nó sản sinh ra đẻ thông tin này không thể vào được mạng. Đại biểu tin rằng, nếu triển khai được thì đây sẽ là giải pháp tích cực.

“Ngoài ra, với giải pháp về mặt quản lý, vẫn phải tiếp tục chủ động phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí sản xuất tin, bài có định hướng; liên hệ một cách chặt chẽ, có thỏa thuận một cách hữu hiệu với các tập đoàn đa quốc gia sở hữu, quản lý các trang mạng xã hội rất lớn hiện nay như Facebook, Youtube… để phối hợp thực hiện đúng quy định pháp luật trên lãnh thổ của Việt Nam”, đại biểu Phạm Tất Thắng nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Tất Thắng cũng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chú trọng đến giải pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật. Theo đó, trong quản lý xã hội nói chung trong đó có lĩnh vực thông tin truyền thông cần có hướng tuyên truyền thông tin rộng rãi để người dân, đặc biệt là giới trẻ được hướng dẫn cụ thể trong việc nâng cao ý thức sử dụng mạng internet, mạng xã hội, từ đó phát huy được mặt tích cực của những công cụ này./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bo-truong-thong-tin-va-truyen-thong-dua-ra-nhung-giai-phap-co-tinh-kha-thi-cao/68211.html