Bộ trưởng 'than' bài toán đầu tư công khó giải

Nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, nhưng khả năng của ngân sách nhà nước thì có hạn, đây luôn là một bài toán rất khó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 'than thở' với Quốc hội.Đâu đâu cũng thấy có rất nhiều nhu cầu và dự án nào cũng chính đáng, cấp bách, quan trọng nhưng 'cái bánh' ngân sách chỉ có vậy...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội.

Chiều 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về ngân sách, đầu tư công, và ông Dũng là một trong ba thành viên Chính phủ được mời đăng đàn làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Thời gian ít, song Bộ trưởng sa đà vào khá nhiều thông tin đã không ít lần báo cáo với Quốc hội liên quan đến tình hình trước và sau khi Luật Đầu tư công được ban hành. Bộ trưởng nhắc lại con số giai đoạn 2011 -2015 khởi công thực hiện hơn 20.000 dự án, còn trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, giảm chỉ còn 9.620 dự án, tức là đã giảm hơn 1 nửa...

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng không có câu trả lời cho câu hỏi mà đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đặt ra trong phiên buổi sáng. Đó là, trong hàng ngàn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu công trình chưa hiệu quả?

Liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, qua hai phiên thảo luận có khá nhiều vấn đề được đặt ra.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì trong điều kiện ngân sách eo hẹp, để giải quyết thiếu hụt nguồn lực so với nhu cầu không thể tròn trịa được chỉ có hai con đường hoặc cắt giảm nhu cầu, giãn hoãn tiến độ một số dự án hoặc dùng giải pháp tình thế để tăng nguồn lực và có thể phải thay đổi một số mục tiêu.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) cho rằng Chính phủ phải đánh giá thật kỹ lưỡng báo cáo cụ thể về khả năng cân đối nguồn vốn, sau khi tổng hợp tất cả các nguồn, kể cả nguồn vốn mới phát sinh thì mới bảo đảm tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả giai đoạn 2016 - 2020, không vượt mức 2 triệu tỷ, là mức đã được Quốc hội thông qua.

Nhấn mạnh khó khăn về nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng than thở, nguồn ngân sách thì hạn hẹp, ODA thì đang giảm dần, thu hút từ xã hội đang còn khó khăn, nhu cầu thì rất lớn.

Một mặt phải khắc phục hậu quả của các giai đoạn trước, nhưng giai đoạn này cũng đang còn rất nhiều vấn đề như các đại biểu nêu: đường cao tốc, đường kết nối, đường liên vùng tạo vùng động lực, vùng khó khăn, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các chính sách dân tộc miền núi... y tế, giáo dục, văn hóa, đâu đâu cũng thấy có rất nhiều nhu cầu và dự án nào cũng chính đáng, cấp bách, quan trọng nhưng cái bánh ngân sách chỉ có vậy. Đây là một vấn đề không đáp ứng được giữa khả năng và nhu cầu, Bộ trưởng trình bày.

Nêu rõ là Trung ương và Quốc hội đều có nghị quyết yêu cầu phải đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, đảm bảo tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi, đảm bảo tổng mức đầu tư không vượt quá cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng cho rằng đầu tư không thể vượt qua được con số 2 triệu tỷ.

Trong khi còn phải thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản từ trước, bố trí 8 nghìn dự án chuyển tiếp, không còn dư địa để làm, Bộ trưởng tiếp tục than khó.

Chính phủ đang kiến nghị Quốc hội xem xét cho sử dụng dự phòng để xử lý một số trường hợp trong các nhu cầu cấp bách hiện nay của các bộ, ngành địa phương. Còn lại thì một số các nhu cầu khác thì chắc chắn phải xây dựng kế hoạch ở nhiệm kỳ tiếp theo. Trên thực tế thì có 21 chương trình mục tiêu thì mới đáp ứng được có 53% tổng nhu cầu của các chương trình đã được phê duyệt. Đấy cũng là một thách thức, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhưng, ông Dũng cũng khẳng định, riêng các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng, dự án trọng điểm thì luôn luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện. Các dự án ODA còn thiếu thì đang phải làm các thủ tục tiếp theo thì sẽ bố trí tiếp.

Hồi âm ý kiến đại biểu "phê" giải ngân chậm, Bộ trưởng phân trần rằng, quy định của pháp luật về đầu tư công quy định khi giao vốn kế hoạch đầu tư công thì phải đủ thủ tục và phải chờ đủ thủ tục thì tỉnh nọ lại chờ tỉnh kia, bộ nọ lại chờ bộ kia nên khi mà các bộ, ngành và địa phương không làm đủ thủ tục thì Chính phủ không thể giao kế hoạch được. Vì đây là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi không đủ thủ tục thì không thể giao kế hoạch được, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Hà Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/bo-truong-than-bai-toan-dau-tu-cong-kho-giai-20181029212345987.htm