Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường hiến kế phát triển kinh tế tuần hoàn

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng Việt Nam có thể áp dụng kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và cách tiếp cận theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam là quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm.

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình "kinh tế truyền thống" sang "kinh tế tuần hoàn". "Đây được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

“Doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển”, Bộ trưởng nói.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh minh họa

Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình là theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và cách tiếp cận theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.

Bên cạnh đó, lộ trình cũng cần tiếp tục thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn, như khuyến khích năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn đã có tại Việt Nam.

Trước đó, TS. Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực của môi trường.

TS. Nguyễn Hoàng Nam cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai hướng tới kinh tế tuần hoàn trong tổ chức.

Toàn cảnh hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019

Dù khái niệm này dần trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn hạn chế, chủ yếu áp dụng ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn có nhiều vai trò đối với ngành. Ví dụ ngành nông nghiệp: mô hình chăn nuôi bò Mộc Châu thu hồi khí và phân; sản phẩm thủ công từ chất thải trồng trọt, mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm…).

Tuy nhiên, theo TS Nam hiện nay việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn vẫn còn hạn chế. Do đó, ông đề xuất mọi người cần hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện pháp luật và chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn và áp dụng vào thực tiễn gắn với công nghệ 4.0. TS Nam kết luận, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực của môi trường.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-hien-ke-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-d163482.html