Bộ trưởng Tài chính: Thu ngân sách 2020 đạt 98% dự toán

So với dự toán Quốc hội giao ban đầu, tổng thu ngân sách Nhà nước năm vừa qua giảm 31.900 tỷ đồng nhưng tăng gần 184.000 tỷ so với báo cáo ước tính hồi tháng 10.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách năm 2020 và triển khai nghiệm vụ năm 2021 diễn ra sáng nay (8/1).

Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm vừa qua ước đạt 1,507 triệu tỷ đồng, tương đương 98% dự toán đầu năm. Nếu xét về số tuyệt đối, mức thu này giảm 31.900 tỷ đồng so với dự toán, tuy nhiên, so với báo cáo ước tính gửi Quốc hội hồi tháng 10, mức thu thực tế kể trên đã tăng gần 184.000 tỷ đồng.

Trong cơ cấu thu, thu nội địa đạt xấp xỉ 100% dự toán, thu từ dầu thô đạt 98,3% (giảm 602 tỷ) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (sau khi trừ hoàn thuế Giá trị gia tăng ) đạt 86,2% dự toán (giảm 28.600 tỷ).

Tính theo phân cấp quản lý, thu ngân sách trung ương tương đương 90% dự toán, giảm 89.000 tỷ đồng và thu ngân sách địa phương vượt 8,6% dự toán, coa hơn 56.800 tỷ.

Bộ trưởng Tài chính cho biết tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách đạt 6,89 triệu tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch. “Đây là mức thu rất tích cực trong điều kiện thu ngân sách năm 2020 khó khăn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Bộ Tài chính.

Cũng trong năm 2020 vừa qua, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách khác. Tính đến hết năm 2020, có khoảng 123.600 tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn giảm.

Về mức chi ngân sách năm qua, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết tổng số chi ngân sách ước khoảng 1,781 triệu tỷ. Trong đó, ngân sách dành hơn 18.000 tỷ cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12.400 tỷ dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; trong khi các địa phương cũng sử dụng khoảng 8.200 tỷ dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai.

Đáng chú ý, trong năm 2020, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển đã cải thiện đáng kể với mức chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9%). Theo kế hoạch, đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/1/2021) sẽ đạt 92-93% dự toán.

Bên cạnh đó, số giải ngân vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 cũng đạt 75% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 26.000 tỷ vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển không thực hiện được, phải hủy dự toán.

Trong cả giai đoạn 2016-2020, tổng chi ngân sách ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ; chi ngân sách bình quân khoảng 28% GDP, giảm so với mức 29,5% giai đoạn 2011-2015. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm vừa qua cũng đạt trên 29%, vượt mục tiêu là 25-26%, chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi (mục tiêu là dưới 64%).

Với kết quả thu, chi ngân sách nêu trên, bội chi ngân sách năm 2020 ước khoảng 248.500 tỷ, dưới 4% GDP ước thực hiện (dự toán 3,44% GDP). Số này tăng khoảng 14.000 tỷ đồng so với dự toán và tương đương 10,5% mức Quốc hội cho phép điều chỉnh (tăng tối đa 133.500 tỷ đồng).

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi ngân sách bình quân khoảng 3,6% GDP.

Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, nằm trong phạm vi giới hạn cho phép.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-truong-tai-chinh-thu-ngan-sach-2020-dat-98-du-toan-post1171249.html