Bộ trưởng Tài chính giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán năm 2021

Ngày 4/1, tại Lễ đánh công đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giao 6 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán trong năm 2021 để ngành chứng khoán tiếp tục vượt khó đạt được những thành công mới, góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Toàn cảnh Lễ đánh cồng. Ảnh:VGP/HT.

Toàn cảnh Lễ đánh cồng. Ảnh:VGP/HT.

Nhìn lại diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, TTCK Việt Nam được ghi nhận là một trong những nơi có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.

Ngoài việc các chỉ số chứng khoán tăng điểm, điểm nổi bật của TTCK năm 2020 được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh là sự tăng trưởng đột phá của thanh khoản thị trường cổ phiếu, đạt bình quân 7.000 tỷ đồng/phiên. Trong đó, tháng 11 và 12 đạt mức bình quân 10.000 và 14.800 tỷ đồng/phiên.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020. Thị trường trái phiếu và phái sinh cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, thị trường trái phiếu Chính phủ đã huy động 330.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tăng 64% so với năm 2019 với kỳ hạn bình quân nhích lên 13,94 năm.

Đáng chú ý, lãi suất huy động giảm từ 4,31% xuống 2,83%, qua đó Bộ Tài chính tiếp tục tái cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững với kỳ hạn bình quân giảm còn 8,35 năm.

Quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp 400.000 tỷ đồng, bằng 14,7% GDP. Tổng mức huy động vốn qua TTCK đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. Ảnh:VGP/HT.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, năm 2021, trước nguy cơ tác động của đại dịch COVID-19, thị trường có thể vẫn có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vaccine phòng dịch đối với nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam vẫn còn dai dẳng, buộc chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và đề phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan cần phối hợp tập trung nỗ lực tận dụng thời cơ thực hiện một số mục tiêu trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn vào cuộc sống, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành huy động vốn, bảo vệ quyền của Nhà đầu tư và thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh.

Thứ hai, cần đẩy nhanh việc cơ cấu lại TTCK theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, cùng với việc hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch Chứng khoán theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ.

Thứ ba, các đơn vị phải bảo đảm an toàn ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới và hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ triển khai xây dựng thêm thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư, cần thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên TTCK để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho TTCK, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới.

Thứ năm, cần tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Thứ sáu, chủ động xây dựng dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK – thị trường vốn về dài hạn.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cam kết trỉen khai nhiệm vụ. Ảnh:VGP/HT.

Tại buổi lễ, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Lãnh đạo ngành chứng khoán cam kết sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan biến các chỉ đạo của Bộ trưởng với 6 nhiệm vụ trong tâm thành các chương trình hành động cụ thể để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/bo-truong-tai-chinh-giao-nhiem-vu-cho-nganh-chung-khoan-nam-2021/418783.vgp