Bộ trưởng Tài chính: Chỉ 0,2% đơn vị sự nghiệp công tự chủ được

Tại hội nghị mở rộng giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng thừa nhận hiện chỉ có khoảng 0,2% đơn vị sự nghiệp công tự chủ được cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị mở rộng giữa Chính phủ với các địa phương mới đây - Ảnh: BTC

Về vấn đề cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới khu vực sự nghiệp công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội đã giảm khoảng 10.000 tỉ đồng chi thường xuyên.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại với lãnh đạo ngành tài chính là tiến độ triển khai đổi mới khu vực sự nghiệp công còn chậm. Đến nay mới ban hành 2/8 Nghị định tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực. Chỉ có khoảng 0,2% số đơn vị tự chủ được cả chi thường xuyên và chi đầu tư

Còn về nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính đã quản lý việc định giá doanh nghiệp, chống thất thoát, tham nhũng trong cổ phần hóa và thoái vốn; bán cổ phần lần đầu 21 doanh nghiệp, thu về 21,6 nghìn tỉ đồng và thoái vốn thu về 18,3 nghìn tỉ đồng, thặng dư 18,2 nghìn tỉ đồng.

"Tuy nhiên, tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến ngày 20.12.2018, mới có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa", Bộ trưởng nêu.

Ngoài ra, việc đăng ký, giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm. Đến nay, còn 667 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng tới mục tiêu đổi mới khu vực DNNN là tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Trung ương, năm 2018 Bộ Tài chính đã cắt giảm 536 đầu mối nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Tính đến nay, đã thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 3.488 biên chế (tương đương 4,7% so với năm 2015).

Trước thực trạng trên, người đứng đầu ngành tài chính quyết tâm năm 2019 trình Chính phủ ban hành các nghị định về tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công, quy hoạch mạng lưới; định mức kinh tế kỹ thuật... Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ các đối tượng chính sách và kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 18 của Trung ương. Dự toán chi thường xuyên NSNN được bố trí theo đúng số biên chế của các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao.

Cùng với đó là thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại DNNN theo đúng lộ trình đã được phê duyệt, gắn với việc đăng ký, niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán, tăng cường công khai, minh bạch, đổi mới quản trị.

Thực hiện Nghị quyết Quốc hội, trong năm 2019, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

"Giải pháp này sẽ giúp giải quyết ý kiến của một số địa phương về giải quyết nguồn thu về cổ phần hóa như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa kiến nghị", Bộ trưởng nói thêm.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/bo-truong-tai-chinh-chi-0-2-don-vi-su-nghiep-cong-tu-chu-duoc-104372.html