Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Macedonia: Tung tín hiệu mạnh với Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis ngày 11/9 cho biết ông sẽ thăm Macedonia trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/9 về việc thay đổi tên quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis ngày 11/9 cho biết ông sẽ thăm Macedonia trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/9 về việc thay đổi tên quốc gia, đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về những nghi ngờ Nga can thiệp trong cuộc bỏ phiếu này – điều Moscow hoàn toàn bác bỏ.

Hướng tới chấm dứt tranh chấp về tên gọi suốt 27 năm qua, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov hôm 17/6 đã ký thỏa thuận đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Để có hiệu lực, thỏa thuận này phải được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân ở Macedonia ngày 30/9 này.

Mỹ muốn thể hiện sự ủng hộ với cuộc trưng cầu dân ý sắp tới tại Macedonia. (Nguồn: Reuters)

Nếu được thông qua thì động thái này sẽ mở đường cho Macedonia gia nhập NATO và Liên minh châu Âu EU.

"Tôi lo lắng về điều đó ... Hành vi gây chia rẽ mà Nga đã thực hiện từ Estonia đến Mỹ, từ Ukraine và bây giờ tới Macedonia, nó luôn thích nghi với tình hình cụ thể và luôn quá giới hạn cho phép," ông Mattis nói với các phóng viên.

Bộ trưởng Mattis nói ông muốn thể hiện rõ rằng Hoa Kỳ ủng hộ người dân Macedonia.

NATO đã mời Macedonia bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập liên minh, nhưng cho biết nước này sẽ phải thay đổi hiến pháp của mình và thông qua tên gọi mới trước. EU cũng cho biết họ sẽ định ra thời điểm cho các cuộc đàm phán gia nhập nhưng còn chờ Macedonia thực hiện thỏa thuận đổi tên với Hi Lạp.

Đại sứ của Moscow tại Macedonia đã chỉ trích tham vọng của nước này khi tham gia NATO, nói rằng Skopje có thể trở thành "một mục tiêu hợp pháp" nếu mối quan hệ giữa NATO và Nga ngày càng xấu đi.

Trước thỏa thuận với Macedonia, Hy Lạp, một thành viên của cả NATO và EU, đã từ chối chấp nhận tên quốc gia của Balkan trên, nói rằng tên gọi này ngụ ý tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở tỉnh Macedonia của Hy Lạp và cho thấy muốn chiếm đoạt nền văn minh cổ đại của họ.

Chính phủ Macedonia của Thủ tướng Zoran Zaev, được bầu vào năm 2017, đã thúc đẩy một thỏa thuận với Hy Lạp. Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc, trong đó có Tổng thống Gjorge Ivanov, phản đối thỏa thuận trên, nói rằng điều này là vi hiến.

Vào tháng 7, Hy Lạp đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và cấm hai người khác nhập cảnh vào nước này, cáo buộc họ đã khuyến khích các cuộc biểu tình và hối lộ các quan chức để ngăn chặn nước này đạt thỏa thuận với Macedonia.

Nga bác bỏ mọi sự liên quan và đã đáp trả tương xứng bằng việc trục xuất các quan chức Hy Lạp.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/bo-truong-quoc-phong-my-toi-macedonia-tung-tin-hieu-manh-voi-nga-363149.html