Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ấn Độ: Washington sẽ 'nói lời giữ lời' ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ấn Độ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đặt trọng tâm chiến lược vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Ấn Độ từ 19-21/3. (Nguồn: AP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Ấn Độ từ 19-21/3. (Nguồn: AP)

Thông điệp rõ ràng

Chuyến thăm châu Á tuần này, trong đó có Ấn Độ, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Điều này đã phần nào cho thấy sự tập trung chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu trước truyền thông, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ T.S. Sandhu bình luận: "Chuyến thăm này phản ánh tầm quan trọng của Ấn Độ với Mỹ và của quan hệ song phương của chúng ta".

Phía Ấn Độ cũng nhấn mạnh ý nghĩa của mối quan hệ an ninh chiến lược Mỹ-Ấn trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo một số bài báo, Bộ trưởng Austin, người sẽ thăm Ấn Độ từ 19-21/3, sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Rajnath Singh và một số quan chức cấp cao nước này.

Chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Ấn và mang đến sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc "thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái BÌnh Dương và Tây Ấn Độ Dương mở, tự do và thịnh vượng".

Hai bên sẽ tập trung vào các cách thức nhằm tăng cường hợp tác quân sự và thương mại quốc phòng song phương, đồng thời sẽ thảo luận về tình hình đang diễn ra ở Afghanistan.

Thương mại quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ tăng trưởng trên nhiều mặt trong những năm gần đây khi Washington trở thành một trong những nguồn cung quốc phòng hàng đầu của New Delhi.

Truyền thông quốc tế cho biết, một thỏa thuận mua 30 máy bay không người lái với 10 máy bay cho lục quân, 10 máy bay cho không quân và 10 máy bay cho hải quân trị giá hơn 3 tỷ USD đang sắp được Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông qua.

Tháng 11/2020, Hải quân Ấn Độ đặt mua 2 máy bay không người lái không vũ trang từ Mỹ trong một hợp đồng 1 năm.

Ấn Độ có kế hoạch mua thêm 6 máy bay tuần tra trên biển tầm xa P-8I để bổ sung vào hợp đồng mua 12 máy bay đã được ký kết.

Nhận ra nhu cầu kết nối chặt chẽ mạng lưới các đối tác an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một tuyên bố của Lầu Năm Góc về chuyến thăm sắp tới khẳng định, Mỹ hiểu nước này cần "những đồng minh, đối tác và bạn hữu mạnh trong khu vực này".

Việc Ấn Độ là một phần trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Austin được cho là đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng với Trung Quốc.

Trước chuyến thăm, ông Austin khẳng định, mục tiêu của Mỹ là "đảm bảo rằng chúng tôi có khả năng và kế hoạch tác chiến nhằm ngăn cản Trung Quốc hoặc bất kỳ bên nào muốn thách thức Mỹ".

Lắng nghe các đồng minh

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á của ông Austin là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, một lý do quan trọng thúc đẩy chuyến thăm lần này là nhằm củng cố các liên minh của Mỹ và Washington muốn lắng nghe quan điểm từ các đồng minh.

Chính quyền của ông Biden có thể "gặp" với chính quyền cựu Tổng thống Trump về hướng tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, nhưng thay vì hướng tiếp cận đơn phương trong chính sách đối ngoại như chính quyền của ông Trump, ông Biden muốn hợp tác với các đồng minh và đối tác để đối phó với Bắc Kinh.

Tại buổi làm việc ở Lầu Năm Góc hồi tháng 2/2021, ông Biden đã truyền đi một thông điệp rằng, Mỹ "chuẩn bị đối đầu và khi cần thiết sẽ đối đầu về quân sự trước sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Ông Biden cũng thông báo thành lập một Lực lượng Tác chiến về Trung Quốc thuộc Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm xem xét hướng tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc trong những khía cạnh như chiến lược, bố trí lực lượng, công nghệ và tình báo.

Đầu tháng này, ông Austin đã tổ chức cuộc gặp đầu tiên với lực lượng này, bao gồm các chỉ huy quân sự, lãnh đạo dân sự và các thành viên thuộc cộng đồng tình báo.

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra giữa bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ đầu tiên, gồm 4 quốc gia Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, được tổ chức trực tuyến vào tuần trước.

Mặc dù đôi khi được gọi là "NATO châu Á", nhưng các chuyên gia cho rằng, Bộ tứ còn xa mới có thể trở thành một liên minh thống nhất do các bên có những ưu tiên khác nhau.

Dù vậy, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Bộ tứ đều nhất trí rằng, Trung Quốc là lý do mà 4 nước này cần nghiêm túc hợp tác với nhau.

Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ không nhắc cụ thể đến Trung Quốc, nhưng thông điệp từ cuộc gặp này đã quá rõ ràng.

Tuyên bố khẳng định Bộ tứ "thúc đẩy một khu vực tự do, mở, bình đẳng, hòa bình, được neo giữ bằng những giá trị dân chủ và không bị bó buộc bởi các hành vi cưỡng ép".

Tuyên bố này cũng nhấn mạnh đến cam kết về "trật tự dựa trên các quy tắc nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và đối phó với các mối đe dọa ở trong và ngoài Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Mặc dù vẫn có sự thay đổi về hướng tiếp cận của Mỹ trong việc xây dựng liên minh các quốc gia nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Bộ tứ gần đây và chuyến thăm châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dường như đang chứng minh rằng, ông Biden sẽ "nói lời giữ lời" trong việc thúc đẩy cam kết mạnh mẽ của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

(theo The Diplomat)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-truong-quoc-phong-my-tham-an-do-washington-se-noi-loi-giu-loi-o-an-do-duong-thai-binh-duong-139702.html