Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ấn Độ: Gắn kết đồng minh, cùng đối đầu Trung Quốc

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Ấn Độ sau khi chỉ trích Trung Quốc ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy nhiều điều đáng chú ý, theo một số chuyên gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 19/3 đã bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tại New Delhi, Ấn Độ. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn thắt chặt mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, nhưng có thể New Delhi sẽ thận trọng để không thể hiện như họ muốn hình thành một liên minh chống lại Trung Quốc.

Chuyến thăm của ông Austin đến Ấn Độ, nơi ông dự kiến gặp Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và các quan chức an ninh cấp cao khác, diễn ra trong thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung đang “nóng” lên ở Alaska, khi cả hai bên đều thể hiện lập trường cứng rắn và không muốn nhượng bộ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty)

Michael Kugelman, phó giám đốc kiêm cộng sự cấp cao phụ trách Nam Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, cho biết các cuộc thảo luận ở Ấn Độ có khả năng tập trung vào việc tăng cường hợp tác quân sự giữa quân đội hai bên, và làm thế nào để sự hợp tác này được đưa lên cấp độ tiếp theo “ngoài việc bán vũ khí và các thỏa thuận quốc phòng đã chi phối mối quan hệ an ninh trong nhiều năm”.

Thời gian của chuyến thăm - sau khi ông Austin đến Nhật Bản và Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một thành viên nội các Biden - có ý nghĩa rất quan trọng.

Kugelman nói: “Điều này báo hiệu cho Ấn Độ và các đối thủ chung như Trung Quốc rằng chính quyền Biden coi trọng mối quan hệ an ninh của họ với New Delhi”.

Khi ông Austin đi cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Tokyo và Seoul, Mỹ chỉ trích Trung Quốc về hành vi “ép buộc và gây hấn”, bao gồm cả tuyên bố chủ quyền bành trướng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong khi người đồng cấp của ông Blinken ở Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đồng ý rằng hành vi của Trung Quốc là “gây mất ổn định” và “không phù hợp với trật tự quốc tế”, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong không đề cập đến Trung Quốc, phản ánh cách nước này cân bằng một cách cẩn trọng quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Trung Quốc-Mỹ đối thoại "nảy lửa" tại Alaska. (Ảnh minh họa)

Ông Swaran Singh từ Đại học Jawaharlal Nehru, giáo sư nghiên cứu quốc tế, cho biết Ấn Độ cũng không muốn đứng về phía nào hoặc bị đẩy về phía "cái gọi là lực lượng chống Trung Quốc". Ông nói thêm rằng thỏa thuận gần đây của Bắc Kinh và New Delhi nhằm rút quân khỏi một phần biên giới tranh chấp cho thấy Ấn Độ sẽ không còn cảm thấy bắt buộc phải liên kết với Mỹ.

Ngoài ra, Ấn Độ đang chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo - có sự tham gia của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vào cuối năm nay. Họ sẽ kiềm chế và “cân nhắc cẩn thận mọi tuyên bố để không làm phức tạp thêm quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc”, theo chuyên gia.

Tháng 10/2020, Delhi và Washington ký Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA). Cùng với hai thỏa thuận ký trước đó - Biên bản Thỏa thuận Trao đổi Logistics (LEMOA) và Thỏa thuận Tương thích và An ninh Truyền thông (COMCASA), 3 thỏa thuận hoàn thành nhóm "hiệp ước nền tảng" cho sự hợp tác quân sự sâu rộng giữa hai nước.

Yogesh Joshi, thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết chuyến thăm của Austin sẽ tập trung vào việc “củng cố các thỏa thuận này”.

Ông nói thêm rằng thương mại quốc phòng cũng sẽ được đề cao trong chương trình nghị sự.

Các nhà phân tích cho biết họ sẽ theo dõi phản ứng của Bắc Kinh sau các cuộc gặp của ông Austin.

Rityusha Mani Tiwary, chuyên gia tại Đại học Delhi nói rằng chuyến thăm có thể ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Ấn. “Trung Quốc có thể đưa ra các liên minh đối phó, đặc biệt là nếu Ấn Độ và Mỹ đưa mối hợp tác quân sự lên một mức sâu sắc hơn".

Hội nghị của nhóm Đối thoại an ninh Tứ giác QUAD (Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ). (Ảnh: Time)

Trước lời "đe dọa" gần đây của tờ Hoàn Cầu thời báo, về việc Ấn Độ "giao lưu" với bộ tứ an ninh QUAD sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc và ảnh hưởng đến sự phát triển của các nhóm khu vực (như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS), Kugelman cho rằng Ấn Độ có thể lo ngại va chạm với Trung Quốc trong các tổ chức khu vực và toàn cầu.

“Nếu Trung Quốc coi các chính sách của QUAD là mối đe dọa ngày càng tăng, họ có thể cố gắng giảm bớt vai trò của Ấn Độ trong BRICS và SCO cũng như các tổ chức khác mà cả hai nước đều là thành viên”, ông Kugelman nói.

Khi đó, mong đợi Ấn Độ lưu tâm đến lợi ích của các tổ chức khu vực hơn lợi ích của mình là “quá nhiều”, theo Joshi.

Tuy nhiên, “Ấn Độ đã chấp nhận SCO và BRICS để tạo ra một trật tự thế giới đa phương khi có triển vọng hợp tác tích cực với Bắc Kinh. Khi các hành động của Bắc Kinh không thể hiện điều này, Ấn Độ đã quay sang Bộ tứ. Không phải chỉ Trung Quốc mới biết thực dụng trong chính trị”, chuyên gia nói.

Phương Anh (Nguồn: South China Morning Post)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-truong-quoc-phong-my-tham-an-do-new-delhi-se-thuc-dung-ar601921.html