Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rào trước việc tấn công hóa học

Quân đội Mỹ đã thâm nhập vào các khu vực phiến quân và không thấy khả năng sử dụng hóa chất hay tấn công vũ khí hóa học.

RT hôm 5/9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng, quân đội Mỹ đã có "sự thâm nhập khá tốt" vào vị trí các nhóm đối lập ở Syria nhưng họ chưa thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy các chiến binh ở Idlib có khả năng dàn dựng một cuộc tấn công vũ khí hóa học.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis

“Chúng tôi không thấy thông tin tình báo cho thấy phe đối lập có bất kỳ khả năng nào sử dụng vũ khí hóa học” - ông Jim Mattis đồng thời lưu ý rằng, lực lượng của Mỹ "thâm nhập sâu" vào các nhóm đối lập ở Syria chưa bao giờ “nhìn thấy” các chiến binh sử dụng bất kỳ hóa chất.

Trích dẫn dữ liệu của "Mỹ và quốc tế", ông Jim Mattis nhấn mạnh thêm rằng, tình huống tấn công như vậy đã từng được các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar Assad "thực hiện trước đây", hàm ý nhắc tới vụ tấn công vũ khí hóa học tại Douma, Bắc Aleppo, Khan Shaykhun.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng, bởi phía Mỹ không có các tin tức cho thấy sẽ xảy ra cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Idlib nên nếu các cáo buộc của Nga và Syria về khả năng này từ phía các phe đối lập, Washington muốn nhìn thấy các bằng chứng.

Ông Mattis cũng bác bỏ lời cáo buộc của Nga về khả năng Mỹ tận dụng cuộc tấn công hóa học để triển khai đợt tấn công quân sự quy mô lớn vào Syria.

Bộ trưởng Mattis gọi Nga đang tận dụng chiến dịch thông tin sai lệch, làm mất uy tín của Mỹ và các đồng minh trên trường quốc tế.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga và Syria tăng cường cảnh báo về khả năng xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Idlib nhưng chỉ là giả mạo và được tận dụng để quân đội Mỹ tấn công vào quốc gia này. Đồng thời, Không quân Vũ trụ Nga và Không quân Syria cũng đã tiến hành các cuộc không kích nhằm các mục tiêu khủng bố ở vùng nông thôn tỉnh Idlib.

Kịch bản tấn công vũ khí hóa học ở Idlib đã được Nga cảnh báo đầu tiên, dựa trên những sự kiện từng xảy ra tại Syria.

Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, Nga đã tự tô vẽ ra kịch bản này nhằm đổ lỗi "cho bất cứ sự cố nào có thể xảy ra khi Moscow và Damascus tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn" vào Idlib.

Các nguồn tin quân sự tại Idlib đã khẳng định thấy những chiếc xe chở những bình khí xanh, một nhóm người bơm khí vào những chiếc túi nhỏ như bình oxy vào một chiếc xe tải và tiến về phía Bắc Hama.

Song, không có bức ảnh nào hay nhân vật cụ thể nào được nêu tên. Điều này khiến Washington đặt ngược vấn đề, yêu cầu có bằng chứng chứng minh phiến quân dàn dựng cảnh tấn công hóa học.

Với tuyên bố không thấy phiến quân dùng vũ khí hóa học, không có bằng chứng cho thấy khả năng diễn ra vụ tấn công hóa học ở Idlib, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tạo ra một lớp vỏ bọc an toàn cho lực lượng phiến quân và khủng bố ở khu vực này, cho phép chúng thực hiện những vụ tấn công rồi đổ lỗi cho các cuộc không kích của Nga và Syria.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí về cục diện Idlib

Sau các cuộc không kích của Nga và Syria, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/9 đã điện đàm khẩn cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhất trí thể hiện một lập trường mạnh mẽ. Hai nước coi "bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của chính quyền Assad tại Idlib là không thể chấp nhận".

Tuyên bố này còn mạnh mẽ hơn cả lời Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên Twitter trước đó 1 ngày.

"Tổng thống Bashar al-Assad của Syria không được liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib. Người Nga và người Iran sẽ phạm một sai lầm chết người khi tham gia vào thảm kịch nhân đạo tiềm tàng này. Hàng trăm ngàn người có thể thiệt mạng. Đừng để điều đó xảy ra" - ông Trump đăng tweet đồng thời cảnh cáo sẽ không dung thứ cho Syria nếu quân đội chính phủ tiến hành một vụ tấn công hóa học tại Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một chiến dịch lớn ở Idlib có thể có thể kích hoạt làn sóng người tị nạn hướng về biên giới nước này. Ankara vì thế muốn duy trì "thỏa thuận giảm căng thẳng" mà họ đạt được với Nga và Iran hồi năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần tấn công lớn vào lãnh thổ Syria, tạo ra một vùng đệm dọc theo biên giới ở khu vực phía bắc Aleppo, tiếp giáp với Idlib, tại đây họ thậm chí còn thiết lập một chính quyền địa phương tồn tại song song với các nhóm phiến quân.

Lần này, nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đã tăng cường thêm binh sĩ và xe tăng M60 tới biên giới với Idlib.

Giải pháp mà Ankara tính đến lúc này là thảo luận biện pháp hành động chung với Nga nhằm trấn áp các nhóm khủng bố tại Idlib nhưng tránh một cuộc tấn công quy mô lớn cũng như kìm chân không để Tổng thống Assad giành lại hoàn toàn Idlib.

Israel - Iran đóng vai gì tại Idlib?

Khả năng Israel can thiệp vào chiến dịch Idlib là một vấn đề đáng chú ý trước khi Nga và Syria thực hiện những vụ không kích ở rìa tỉnh Idlib hôm 4/9, Không quân Israel đã ngang nhiên trút tên lửa và bom xuống các mục tiêu tại Syria mà họ cho là liên quan tới lợi ích của Iran.

Cùng ngày, Lực lượng phòng vệ Israel lần đầu tiên công khai thừa nhận, họ đã tiến hảnh trên 200 cuộc không kích tại Syria, phóng trên 800 quả tên lửa và các loại pháo xuống nước này kể từ năm 2017. Chính phủ Israel tuyên bố sẽ không cho phép Iran thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện ở Syria.

Theo các nguồn tin khu vực thì chiến dịch giải phóng Idlib của Damascus dựa trên một phần lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn. Đó là lý do Israel hành động.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bo-truong-quoc-phong-my-rao-truoc-viec-tan-cong-hoa-hoc-3364965/