Bộ trưởng Nội vụ: Thi nâng ngạch chuyên viên bảo đảm công khai, minh bạch

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thẳng thắn trả lời đại biểu về các vấn đề thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp năm 2016 sẽ có kết quả trong vòng 2 tháng, bảo đảm công khai minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc thi nâng ngạch công chức thể hiện thứ bậc và năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức và thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh. Do đó, việc thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương là đánh giá năng lực trình độ, chuyên môn của công chức và thực hiện việc bổ nhiệm ngạch cao hơn.

Việc thi nâng ngạch công chức thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ Nội vụ, trong thời gian qua Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng cho phân cấp ủy quyền. Bộ Nội vụ đã ủy quyền cho 16 tỉnh tổ chức thi nâng ngạch chuyên viên. Có 2 bộ đang đề nghị, nhưng theo Luật Tổ chức Chính phủ thì bộ không ủy quyền cho bộ nên Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với 2 bộ này để tổ chức thi nâng ngạch công chức với số lượng lớn.

“Các tỉnh nào đủ điều kiện để tổ chức mà có đề nghị, Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền cho thi nâng ngạch. Chỉ có việc thi chuyên viên cao cấp thì số lượng từng tỉnh rất ít nên chúng ta tổ chức thi tập trung”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.

Năm 2016, Bộ Nội vụ tổ chức thi tập trung tại 3 khu vực đối với các tỉnh còn lại không đủ điều kiện tổ chức thi. Đặc biệt, sau khi thi xong sẽ có kết quả ngay trong vòng 2 tháng, không kéo dài thời gian, bảo đảm minh bạch, công khai.

"Việc thi tập trung, chúng tôi giao nhiệm vụ cho 3 Thứ trưởng làm 3 nhiệm vụ khác nhau. Thứ trưởng kiểm tra đầu vào có đủ tiêu chuẩn hay không, Thứ trưởng là Chủ tịch Hội đồng thi và Thứ trưởng làm Trưởng ban giám sát. Điều này tách bạch rõ ràng, Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý không tham gia các khâu tiếp theo để bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thi nâng ngạch", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Bộ Nội vụ nhận trách nhiệm trong công tác quản lý của mình

Về chất vấn của đại biểu liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ đối với những sai sót và bất cập trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, với trách nhiệm được giao, Bộ Nội vụ nhận thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước của mình. Thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu để hoàn thiện thể chế, thanh tra và kiểm tra nhằm tăng cường xử lý vi phạm đối với cán bộ vi phạm tại các bộ, ngành, địa phương.

Hằng năm, Bộ Nội vụ đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức ở nhiều bộ, ngành và địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức đẩy mạnh việc thanh tra công vụ, tiếp tục hoàn thiện thể chế tiêu chuẩn về chức danh công chức, viên chức.

Về đề án vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức. Các cơ quan tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức phân công nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng từng công việc, đồng thời xây dựng quy chế theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực thi nhiệm vụ của từng công chức, viên chức, thực hiện tốt việc đánh giá và phân loại công chức, viên chức theo quy định.

Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức hiện nay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết được thực hiện theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị định 108/NĐ-CP của Chính phủ. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy Nhà nước, gắn chính sách tinh giản biên chế với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương và nâng cao thu nhập cho đội ngũ công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, có quy định khen thưởng và quy luật phù hợp trong quá trình sử dụng đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm và thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả và không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, không chờ cho hết nhiệm kỳ hoặc đến tuổi nghỉ công tác, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Về việc xây dựng quy chế bổ nhiệm hàm, thực hiện nghị quyết 87 của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về nghiên cứu, xây dựng đề án bổ nhiệm hàm với cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng về xây dựng quy chế bổ nhiệm hàm với cán bộ, công chức. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện đề án này. “Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về việc bổ nhiệm hàm”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Quốc hội cũng nhận trách nhiệm…

Đánh giá phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn, bám sát thực tiễn, đi sâu vào vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, tham gia tranh luận sôi nổi.

Lần đầu tiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tham gia trả lời chất vấn sau 7 tháng giữ nhiệm vụ nhưng Bộ trưởng đã thể hiện việc nắm chắc các vấn đề, thấy rõ trách nhiệm của ngành và người đứng đầu về thực trạng công tác ngành nội vụ. Bộ trưởng đã trả lời ngắn gọn, thẳng thắn, không né tránh kể cả vấn đề khó, phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các giải pháp đã đề ra. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp bộ máy một cách hợp lý; tiếp tục triển khai đề án vị trí việc làm và sớm phê duyệt đề án này với đơn vị sự nghiệp công lập; sớm hoàn thiện đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý gắn với việc bảo đảm yêu cầu lựa chọn được cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, áp dụng thống nhất, thực hiện công khai minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, luân chuyển cán bộ, công chức; tổ chức có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, nâng cao năng lực phẩm chất đối với cán bộ, công chức; sớm hoàn thiện đề án cải cách tiền lương; đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2017; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý về việc tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm, nghiêm túc sai phạm; đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng đã được Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, Quốc hội nghiêm khắc phê phán các sai phạm của ông Hoàng và cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát và ban hành các văn bản pháp luật của mình làm cơ sở cho việc xử lý những việc tương tự. Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ việc xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về việc xử lý các sai phạm của pháp luật trong thực thi công vụ ngay sau khi về hưu rồi mới phát hiện sai phạm.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/bo-truong-noi-vu-thi-nang-ngach-chuyen-vien-bao-dam-cong-khai-minh-bach/291779.vgp