Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha gặp rắc rối vì sự cố với người nhập cư

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha đang chịu nhiều áp lực trong việc làm rõ phản ứng của lực lượng an ninh nước này trước làn sóng di cư ở biên giới với Morocco dẫn đến cái chết của ít nhất 23 người di cư hồi tháng 6-2022.

Cảnh sát chống bạo động của Tây Ban Nha tăng cường chốt chặn tại Melilla, giáp biên giới với Morocco

Cảnh sát chống bạo động của Tây Ban Nha tăng cường chốt chặn tại Melilla, giáp biên giới với Morocco

Phản ứng của lực lượng chức năng Tây Ban Nha ở khu vực biên giới Melilla vào ngày 24-6 một lần nữa khiến dư luận quan tâm sau khi truyền hình Anh BBC vừa phát hành một phóng sự điều tra cho thấy có những thi thể của người di cư đã bị lôi ra khỏi Melilla - lãnh thổ do Tây Ban Nha kiểm soát đến Morocco. Bộ trưởng Grande - Marlaska cũng bị buộc tội giấu bằng chứng, cụ thể là cảnh quay an ninh, không cho các nhà điều tra tiếp cận.

Video mới về cuộc đụng độ biên giới bị rò rỉ và được công bố hôm 8-11 trên các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha cho thấy, hôm đó, hàng trăm người đàn ông xông vào một đồn biên phòng từ phía Morocco. Tại một số điểm bên trong khu vực giáp ranh giữa hai quốc gia, đám đông giẫm đạp lên nhau khi cố gắng đi qua đất Tây Ban Nha. Trong số những người di cư có nhiều người tị nạn từ Sudan. “Với những hình ảnh và bằng chứng rõ ràng, hiện giờ chúng tôi chắc chắn rằng phần lớn các sự kiện đã diễn ra trên lãnh thổ Tây Ban Nha. Ông Grande Marlaska phải thừa nhận sự thật, không thể phủ nhận như đã làm trong 4 tháng qua”, ông Jon Inarritu, một nhà lập pháp từ vùng Basque, người cùng đoàn ủy ban của quốc hội đến thăm Melilla sau sự kiện nói.

Các thành viên quốc hội Tây Ban Nha đang thúc đẩy việc Quốc hội mở cuộc điều tra, thậm chí một số người kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Fernando Grande-Marlaska từ chức. Cho tới nay, ông Grande-Marlaska vẫn phủ nhận các cáo buộc, tuyên bố rằng không có trường hợp tử vong nào xảy ra trên lãnh thổ Tây Ban Nha mà là ở phía Morocco và ở “vùng đất không người ở” giữa hai quốc gia. Trình bày với các nghị sĩ một tháng trước, ông mô tả nỗ lực của người di cư để vào Melilla là “bạo lực” nên chính quyền Tây Ban Nha đã có phản ứng “tương xứng”. Đầu tuần này, ông vẫn khẳng định, “không có người chết trên lãnh thổ Tây Ban Nha”.

Ông Isabel Rodríguez, người phát ngôn của chính phủ cánh tả Tây Ban Nha cho biết, chính phủ đang phối hợp với cuộc điều tra của các công tố viên Tây Ban Nha về những gì đã xảy ra vào ngày 24-6. Video về sự việc lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, nhiều người đàn ông da màu bất động trên mặt đất khi nhân viên an ninh Morocco đứng bên cạnh họ. Các video khác cho thấy, các sĩ quan Tây Ban Nha đưa người di cư trở lại Morocco. Thanh tra viên của Tây Ban Nha phát hiện ra rằng có tới 470 người di cư buộc phải quay trở lại Morocco, trong đó có nhiều người bị thương.

Các tuyến biên giới ở Ceuta và Melilla là hai địa điểm có biên giới trên bộ duy nhất giữa Liên minh châu Âu (EU) với châu Phi. Đây cũng là điểm đến mà người di cư từ các nước Bắc Phi nghèo khó tìm tới với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu. Năm 2021, khoảng 10.000 người di cư từ Morocco đã tìm cách vượt biên tại Ceuta để sang Tây Ban Nha, gây ra tình trạng hỗn loạn đáng kể tại khu vực này. Những người di cư trái phép đã tới Ceuta bằng cách sử dụng phao tự chế, xuồng cao su hoặc lội nước khi thủy triều xuống. Diễn biến ở Ceuta đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong quan hệ giữa Tây Ban Nha và Morocco kể từ năm 2002. Điều này cũng khiến cho Liên minh châu Âu không khỏi lo ngại. Kể từ cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vào năm 2015, EU đã cố gắng giảm bớt dòng người di cư bất thường đến châu Âu, một phần nhờ thỏa thuận với các nước trung chuyển bao gồm Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya để giữ chân người di cư.

(Theo AP)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-truong-noi-vu-tay-ban-nha-gap-rac-roi-vi-su-co-voi-nguoi-nhap-cu-post522551.antd