Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ninh Bình xây dựng nền nông nghiệp đặc hữu

Ngày 30 và 31/7, Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Ninh Bình về tình hình nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Trong buổi làm việc sáng 31/7, tại UBND tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã báo cáo tình hình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, được ưu tiên để phát triển.
Giai đoạn 2015-2020, các quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp đã được tổ chức rà soát, điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lĩnh vực trồng trọt tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Cây lúa vẫn là cây trồng chủ đạo với diện tích khoảng 74.000 ha. Từ năm 2018, tỉnh đã triển khai sản xuất được 300 ha lúa đặc sản, chất lượng cao, theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, các cây trồng khác như dứa, dưa chuột, cải các loại, cà chua… cũng khá phát triển, đi vào chuỗi giá trị sản xuất và chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đã chuyển đổi khoảng 6.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng rau, cây ăn quả cho giá trị cao gấp từ 3 đến 10 lần so với chuyên trồng lúa.
Lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đang chuyển dịch mạnh cơ cấu từ nông hộ sang trang trại, gia trại. Lĩnh vực thủy sản thời gian qua phát triển khá nhanh, tăng trưởng mạnh cả về nuôi trồng và khai thác, cả về diện tích và sản lượng.

Đặc biệt, thủy sản vùng mặn, lợ đã ứng dụng mạnh các công nghệ cao vào để nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng con nuôi lợi thế như tôm, cua xanh, cá chẽm... ;trong đó, đã nuôi thâm canh 3 vụ tôm/năm trong nhà lưới, doanh thu lên tới 8 đến 10 tỷ đồng/ha; sản xuất được các con giống ngao, hàu cửa sông cung cấp cho các địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh.

Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 14.000 ha, sản lượng ước đạt gần 61.000 tấn, giá trị đạt 1.694 tỷ đồng, chiếm 19% cơ cấu nội bộ ngành.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rà soát quỹ đất trồng lúa toàn quốc để chỉ đạo sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu và có chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng trồng lúa.

Đoàn công tác thăm mô hình nuôi hàu giống tại huyện Kim Sơn. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Tỉnh Ninh Bình cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng, phát triển một số dự án như: Xây dựng Bảo tàng Văn hóa lúa nước Việt Nam tại Ninh Bình; xây dựng Trung tâm bảo tồn nguồn gen cây lâm nghiệp; chuyển đổi gần 3.000 ha đất canh tác tại Nho Quan và Tam Điệp sang chăn nuôi và vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi; dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn; dự án khu tập kết bảo quản sản phẩm thủy sản khu vực ven biển Kim Sơn...
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, do đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Bộ quản lý, đặc biệt là dự án đã được các đơn vị thuộc Bộ rà soát kiểm tra, đánh giá như: xây dựng tuyến đê Bình Minh 4, huyện Kim Sơn (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi chống hạn, lũ quét và gạt lũ khu vực 8 xã miền núi phía đông bắc huyện nhoquan; đầu tư xây dựng trạm bơm Cánh Diều phục vụ sản xuât nông nghiệp và thoát nước đô thị cho thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh; cải tạo trạm bơm khu Tả Vạc... và một số dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tỉnh Ninh Bình đã phát huy được lợi thế vùng, miền để phát triển, nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp phù hợp, ứng dụng công nghệ cao và bám sát thị trường; hướng sản xuất đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ quy mô hộ sang trang trại; tập trung cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai bằng các giải pháp tổng thể; xây dựng nông thôn mới có nhiều cách làm hay, sáng tạo và tập trung nhiều nguồn lực cho môi trường với ý thức về tầm nhìn rất rõ ràng...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình cần dựa trên những lợi thế đặc biệt để có thể xây dựng được một nền nông nghiệp đặc hữu, thông minh, thân thiện với định hướng phục vụ du lịch; kết hợp phù hợp giữa khoa học công nghệ và tập quán văn hóa cổ truyền; đồng thời xây dựng khu vực nông thôn mới đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết sẽ cử các chuyên gia của Bộ hỗ trợ, tư vấn, giúp tỉnh Ninh Bình rà soát và quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp. Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét, nghiên cứu phương án giải quyết.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi thăm vùng nuôi trồng thủy sản tập trung hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn; vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn; thăm tuyến đê Bình Minh 4 và khảo sát thực tế vùng phát triển kinh tế biển huyện Kim Sơn./.

Thùy Dung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-ninh-binh-xay-dung-nen-nong-nghiep-dac-huu/164546.html