Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta đã có cố gắng lớn trong giải cứu nông sản

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề giải pháp để không phải giải cứu nông sản thường xuyên và công tác quy hoạch, thị trường đầu ra cho nuôi tôm hùm ở Phú Yên.

Giải pháp căn cơ giải cứu nông sản

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Đình Gia – đoàn Hà Tĩnh nêu vấn đề, việc giải cứu nông sản đã trở thành thường xuyên của nông nghiệp nước ta, nhất là trước mỗi kỳ họp. Ngay sáng hôm qua, VTV1 có đưa tin về việc phát triển cây ăn quả có múi đến giai đoạn hiện nay có khoảng trên 90.000 ha và cung đã vượt cầu rất xa. Như vậy, chúng ta đã nhìn thấy được một cuộc giải cứu trong tương lai. Vậy, Bộ đã và sẽ làm gì để có thể tránh được một cuộc giải cứu này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn đại biểu tại Quốc hội

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, về việc làm sao giảm bớt giải cứu nông sản, vừa qua, chúng ta đã có một bước cố gắng lớn. Ví dụ, hiện nay diện tích rau có hàng triệu ha, diện tích quả có khoảng 800.000 ha. Như vậy, một năm Việt Nam sản xuất ra khoảng 30 triệu tấn rau và 15 triệu tấn quả, với giá trị xuất khẩu năm nay khoảng 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, do trong chừng mực nhất định có những lúc thời vụ, có những cây, có những vùng dư thừa.

Lấy bài học kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải với khoảng 3 vạn ha, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, giải pháp trước mắt là tập trung xúc tiến đầu tư, tiêu thụ, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa thì sẽ giải quyết được vấn đề này. Còn về lâu dài ngành cũng đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi.

Hiện nay các doanh nghiệp cũng muốn đẩy mạnh khâu chế biến nhưng gặp khó ở chỗ diện tích của chúng ta khá phân tán. Bên cạnh đó, muốn chế biến thì phải đồng nhất, ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải mỏng vỏ, xơ dày, dai... Những việc này chúng ta phải từng bước một. Bộ đang tập trung chỉ đạo các viện cùng với các doanh nghiệp cùng phối hợp với người dân để làm từng bước.

“Trước mắt bằng những giải pháp tích cực như vừa qua ở Bắc Giang, Sơn La... đó là tiêu thụ sản phẩm tốt cho dân, còn giải pháp căn cơ lâu dài thì đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục khẳng định.

Giải quyết bốn “câu chuyện” của con tôm hùm

Cũng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phan Anh Khoa – đoàn Phú Yên đưa ra vấn đề, Phú Yên và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực nuôi tôm hùm có giá trị xuất khẩu lớn và trở thành sản phẩm chủ lực của một số địa phương. Nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, công tác quy hoạch nuôi chưa đồng bộ, thống nhất giữa vùng, liên vùng và địa phương liên quan đến du lịch và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh, rủi ro thiên tai lớn. Đặc biệt, là thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu là thị trường Trung Quốc nhưng phần lớn đi theo đường tiểu ngạch làm cho địa phương và nông dân không yên tâm.

“Thời gian tới, Bộ trưởng có chủ trương và giải pháp cụ thể ra sao giúp tháo gỡ khó khăn này?” – đại biểu Phan Anh Khoa đặt câu hỏi.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đúng là Phú Yên có một lợi thế là nuôi tôm hùm. Tôm hùm có ở 3 địa phương là Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, nhưng riêng Phú Yên có 45.000 lồng nuôi tôm hùm. Chúng ta phải giải quyết bốn câu chuyện của con tôm hùm: Thứ nhất, tình trạng nuôi tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường; thứ hai, con giống trôi nổi, khai thác tự nhiên rất bị động; thứ ba, quy trình chăn nuôi, ăn thức ăn tự nhiên nên gây ô nhiễm và giá thành cao; thứ tư, tiêu thụ tự phát. Bốn việc này phải giải quyết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, triển khai Luật Thủy sản, Bộ đã cử Tổng cục Thủy sản vào phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn tỉnh quy hoạch lại để đảm bảo khu nào là du lịch, khu nào nuôi tôm để đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn về con giống và quy trình, Bộ hiện nay đang chỉ đạo các cơ quan khoa học của Bộ, cụ thể là Viện Thủy sản 2 phối hợp với một viện khoa học của Australia để trong một thời gian ngắn tới đây giải quyết được câu chuyện con giống và quy trình nuôi thức ăn tổng hợp.

Riêng về tiêu thụ thì sau này sẽ hình thành hiệp hội nhưng trước mắt việc tiêu thụ đối tượng này chưa phải chế biến, vì nó là đặc sản với một lưu lượng nhỏ. "Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ba địa phương, nếu giải quyết tốt vấn đề con giống và quy trình thì không phải là vấn đề lớn. Quan trọng nhất là vấn đề phối hợp để quy hoạch và chúng tôi sẽ cử cán bộ chuyên môn vào giúp các địa phương" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-chung-ta-da-co-co-gang-lon-trong-giai-cuu-nong-san-111065.html