Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì họp ứng phó bão số 4

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp

Bão mạnh cấp 8 dự kiến đổ bộ Hải Phòng - Nghệ An

Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường cho biết, bão số 4 hiện đang cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Sáng mai, bão số 4 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp tới vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Tới 10h sáng 17/8, bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng - Nghệ An, với sức gió mạnh cấp 8.
Theo ông Cường, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 sẽ gây mưa to đến rất to tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ nay đến ngày 18/8 với lượng mưa từ 250 - 350mm. Trọng tâm mưa lớn sẽ là khu vực Đông Bắc, Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Từ ngày 16 - 18/8, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2 - 4m; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3 - 6m. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Bưởi có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ 3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1, thượng lưu sông Mã lên mức BĐ1 - BĐ2, hạ lưu mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp có khả năng xảy ra, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm cả TP Hà Nội.
Riêng đối với Hà Nội, ông Cường cho biết: Đợt mưa tới nhiều khả năng sẽ khiến mực nước sông Bùi lên mức BĐ 2 - 3. Ngập lụt tại huyện Chương Mỹ nhiều khả năng sẽ xảy ra, dù không nghiêm trọng như trong đợt mưa lũ tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua.

Còn 5.347 phương tiện hoạt động trên biển
Tại cuộc họp, Đại tá Trần Trung Kiên (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) cho biết, trong 6 ngày qua, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 36.314 phương tiện/137.774 người và 11.378 lồng bè, lều, chòi canh/14.706 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Tuy nhiên, hiện nay có 5.347 phương tiện/29.320 người đang hoạt động trên biển và 30.967 phương tiện/108.454 người neo đậu tại bến (các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình). Đến chiều nay, tất cả 7 tỉnh ven biển vẫn chưa có lệnh cấm biển.

Đại diện Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và Tìm kiếm cứu nạn phát biểu tại cuộc họp

Bên cạnh nỗi lo về tình hình tàu thuyền, sản xuất nông nghiệp cũng đứng trước nguy cơ tác động lớn. Đến nay, Nam Định đã khôi phục 69.024ha/76.500 ha. Diện tích còn lại chuẩn bị sản xuất cây vụ Đông. Diện tích lúa Mùa tại các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy 1,12 triệu ha, đang đẻ nhánh. Khu vực Bắc Trung Bộ (từ Nghệ An đến Huế) đã gieo cấy 165.000ha lúa giai đoạn phân hóa đòng hoặc đã trổ xong. Nếu tiếp tục có mưa trong những ngày tới, không loại trừ khả năng diện tích trên sẽ lại bị ngập úng, hư hỏng.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ hiện có 101 hồ chứa lớn và 1.945 hồ chứa nhỏ đã đầy nước; bên cạnh đó là 234 hồ chứa xung yếu. Hiện, công tác ứng trực, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu nhằm bảo đảm an toàn hệ thống công trình này đang tiếp tục được triển khai.

“Nếu không quyết liệt, thiệt hại sẽ rất lớn”
Đây là cảnh báo được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bão số 4 rất đặc biệt, bởi có đường đi phức tạp, tốc độ di chuyển thay đổi liên tục, khu vực tác động rộng và càng vào gần bờ càng mạnh lên. Chính vì vậy, nếu các bộ ngành, các địa phương không ráo riết, quyết liệt trong ứng phó, hậu quả sẽ rất khôn lường.
“Khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 4 cũng là vùng có hoạt động kinh tế biển rất sôi động, có nhiều dự án kinh tế lớn nên hậu quả sẽ càng lớn hơn nếu không chủ động ứng phó…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, TP ven biển xem xét phát lệnh “cấm biển” trong sáng 16/8. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, bao gồm cả hoạt động du lịch. Nhấn mạnh “trên biển nguy hiểm gian nan, nhưng thương vong nhiều nhất lại là vùng núi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương cần khẩn trương rà soát các công trình cao tầng, nhà ở dân cư dễ bị tổn thương khi có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất. Kiên quyết di dời người dân khỏi những vùng nguy hiểm.
Để giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị 6 tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng (bao gồm cả Hà Nội) tập trung tiêu nước đệm bằng cưỡng bức và tự chảy. Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Bên cạnh đó, cần phân công quản lý, vận hành cụ thể, gắn con người tại những điểm xung yếu để phát hiện sớm và xử lý sự cố về hồ chứa thủy lợi… Các Công ty Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang tiếp tục vận hành xả lũ 5 cửa, phối hợp với các đơn vị liên quan thông tin sát diễn biến mưa lũ, có báo cáo để T.Ư chỉ đạo điều hành phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.
Ngay trong chiều 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại các địa phương.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-chu-tri-hop-ung-pho-bao-so-4-323121.html