Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thất thu thuế Grab, Uber, Bộ Tài chính nắm rõ nhất

Phát biểu tại Quốc hội về vấn đề thất thu thuế đối với hoạt động của Grab, Uber, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, 50.000 xe hiện đang hoạt động Uber, Grab đều kết nối với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Vậy nên, cơ quan này sẽ nắm rõ thông tin về số thuế phải nộp của hai doanh nghiệp nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 5/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Uber, Grab báo lỗ, Bộ Tài chính nắm rõ nhất

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện nay, toàn quốc có gần 500 đơn vị vận tải với hơn 40.000 phương tiện tham gia thí điểm Đề án 24. Song thực tế xe công nghệ Grab đã đăng ký hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các tổ chức hợp tác xã hơn gấp 3 lần trên các tỉnh thành phố đang thực hiện.

“Sao lại có sự chênh lệch cao như vậy? Từ chỗ chênh lệnh, công ty công nghệ Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014 - 2016, năm 2017 - 2018 cũng không khá hơn là bao nhiêu trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng, xin hỏi Bộ trưởng giải pháp ra sao, quản lý được loại hình xe công nghệ này để không có tình trạng chui số lượng để trốn thuế, bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ. Câu hỏi này cũng xin chuyển đến Bộ trưởng Bộ Tài chính”, ĐQBH Phạm Văn Hòa nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Trước vấn đề về được đại biểu Hòa đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về taxi, hiện nay chúng ta quản lý theo hạn ngạch. Tuy nhiên, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và hiện chúng ta đang chuẩn bị ban hành các nghị định trong Nghị định 86 sửa đổi này chúng tôi cũng thực hiện nghiêm theo Luật Quy hoạch là không còn hạn mức của taxi nữa.

“Hiện nay chúng tôi cho taxi cũng gắn thiết bị thu tiền tự động giống như taxi công nghệ, do đó sắp tới hoạt động này chắc chắn đảm bảo công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo ông Thể, thực tế sẽ có nhiều phương tiện tham gia trên đường, đây là quyền của công dân và theo Luật Quy hoạch chúng ta không còn quản lý số lượng nữa, tương tự như các trạm đăng kiểm sắp tới xây dựng theo yêu cầu và phương án của các nhà đầu tư. Do đó, ông Thể cho rằng, cung cấp dịch vụ tốt cũng có hệ lụy là có thể có nhiều phương tiện hoạt động không hiệu quả.

“Tuy nhiên, đây là kinh tế thị trường nên chúng tôi cũng đề nghị bà con khi mua xe tham gia vào các hoạt động vận tải chúng ta phải tính toán để đảm bảo hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra lời khuyên.

Theo số liệu thống kê, trên cả nước có khoảng 48.000 phương tiện hoạt động dịch vụ Grab, nhưng thực tế có một số người dân dăng ký nhưng không hoạt động, diễn biến này chỉ doanh nghiệp nắm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân trần: “Hiện nay, chúng tôi chỉ đạo các địa phương liên quan kết nối số liệu với Bộ Giao thông, Bộ Công an để chúng ta nắm toàn bộ xe nào tham gia dịch vụ vận tải công nghệ để chúng ta quản lý chặt chẽ tất cả các biến động, hoạt động của các doanh nghiệp này, xe này để tránh thu thuế và tạo điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh vận tải.

Một số doanh nghiệp nộp thuế ít, qua Bộ Tài chính, chúng tôi được biết tất cả doanh nghiệp khoảng 50.000 xe của Uber, Grab và Việt Nam hiện nay có tới 12, 13 phần mềm trong 14 phần mềm đang vận hành thì tất cả phương tiện này đều kết nối với Tổng cục thuế và cơ quan thuế. Do đó, việc thất thu thuế của các phương tiện có thể ít xảy ra vì cơ quan thuế nắm rất kỹ.

Tuy nhiên, thực tế, các phần tiền trích lại như Uber, Grab chúng tôi mong các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ vì có thông tin Uber, Grab lỗ và chúng tôi đã nắm được việc này thông qua phương tiện truyền thông và tôi nghĩ rằng Bộ Tài chính là đơn vị nắm rõ nhất và cơ quan nhà nước chúng ta sẽ đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là taxi công nghệ và taxi truyền thống”.

Bộ GTVT “gắn” mào cho Grab

Cũng liên quan tới hoạt động của Grab, ĐBQH Đào Thanh Hải (Hà Nội) nêu vấn đề, đó là mới có 15% lượng người dân ở Hà Nội tham gia đi xe buýt. Vậy nên, Hà Nội quản lý xe taxi truyền thống để giảm ùn tắc bằng cách giảm từ 22.000 xe taxi xuống còn 15.000 xe taxi. Trong khi số lượng xe Grab là 31.000 xe.

"Xe Grab không đeo mào nên dễ len lỏi vào các tuyến đường cấm, khó quản lý. Hướng giải quyết thời gian tới sẽ ra sao?", ĐBQH Đào Thanh Hải đặt câu hỏi.

ĐBQH Đào Thanh Hải (Hà Nội)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 86/2014 sau 7 lần sửa đổi, trình Chính phủ thì hiện đã nhận được ý kiến đồng thuận cao. Theo đó, dự thảo Nghị định này sẽ quy định xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống đều phải gắn mào để lực lượng chức năng dễ nhận biết, quản lý phương tiện lưu thông trên đường.

Ngoài ra, xe công nghệ hay taxi cũng đều phải chịu quy định về thủ tục như nhau, chẳng hạn Grab hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, cũng như chịu trách nhiệm trực tiếp trước lái xe, hành khách... như taxi truyền thống. Ngược lại, taxi truyền thống cũng sẽ được gắn các thiết bị công nghệ phục vụ hành khách như xe hợp đồng điện tử.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin, khi Nghị định thay thế Nghị định 86 được ban hành thì Quyết định 24 sẽ hết hiệu lực. Lúc đó, cạnh tranh giữa xe công nghệ và taxi truyền thống là như nhau.

"Xe hợp đồng điện tử hay taxi truyền thống cũng đều có điều kiện phục vụ, chịu quản lý về thủ tục như nhau. Nghĩa là Grab và taxi truyền thống hoạt động công bằng như nhau", ông Thể nói.

P.V

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-truong-nguyen-van-the-that-thu-thue-grab-uber-bo-tai-chinh-nam-ro-nhat-985893.html