Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình về 8 dự án BOT vướng nhiều sai phạm

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần trong đó ưu tiên những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội.

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 14/11, đại biểu Quốc hội Hoàng quang Hàm- tỉnh Phú Thọ cho rằng, theo báo cáo dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có 8/11 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ ra.

Đại biểu phân tích, hiện nay 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức hợp đồng BOT đều trộn lẫn ngân sách và phần thu phí trong chi phí xây dựng trong khi chưa đánh giá hợp lý khả năng thu phí hoàn vốn, cũng chưa có tiêu chí thể hiện ngân sách sẽ đầu tư phần nào, đoạn nào của dự án.

Đại biểu Quốc hội Hoàng quang Hàm- tỉnh Phú Thọ

Tính toán theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều dự án có thể thu hồi toàn bộ vốn trong thời gian rất nhanh so với vòng đời trung bình của một dự án BOT là 24 năm nhưng vẫn dự kiến bố trí ngân sách là không hợp lý.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá và xác định các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn làm cơ sở minh bạch giữa ngân sách và thu phí, theo đó các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng trái phiếu. Còn các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, lập thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế dự toán, công tác đấu thầu quyết toán, còn chi phí xây dựng dự án nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ sau đó tổ chức thu hồi vốn.

Để triển khai nguyên tắc bố trí ngân sách như trên đề nghị trong mỗi dự án thành phần, Chính phủ phải đánh giá cụ thể chi phí lợi ích theo từng phương án, hoặc đầu tư công toàn bộ hoặc thu phí hoàn vốn toàn bộ để so sánh lựa chọn phương án tối ưu.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, xác định hình thức đầu tư hợp lý cho từng dự án thành phần theo nguyên tắc không bố trí ngân sách cho chi xây dựng của dự án BOT; đồng thời xác định số vốn cần bố trí hết cho đến năm 2020 để cân đối cho các dự án quan trọng của quốc gia giai đoạn 2016-2020 còn thiếu vốn.

Trước ý kiến về khắc phục các bất cập dự án BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần trong đó ưu tiên những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao.

Bên cạnh đó, 8 dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải rút kinh nghiệm bằng cách tổ chức đấu thầu toàn bộ, đấu thầu lần một không xong thì báo cáo với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội để đấu thầu lần 2. “Trước đây quy định nếu đấu thầu lần một không thành mà có một nhà đầu tư đăng ký thì được quyền chỉ định. Giờ đấu thầu chọn nhà đầu tư để đảm bảo công khai, minh bạch”.

Trước băn khoăn của đại biểu về dự án ngắn, dài khác nhau, Bộ trưởng cho biết, việc phân chia phù hợp với đặc điểm vận tải cũng như tài chính của nhà đầu tư. Để chọn được nhà đầu tư lành mạnh, ngoài việc đấu thầu công khai, sẽ yêu cầu vốn chủ sở hữu nhà đầu tư ít nhất 15%, có dự án 20% (QL1 trước đây chỉ yêu cầu 10 - 15%), nhằm chọn lựa nhà đầu tư có năng lực thực sự về tài chính.

Để hút vốn tín dụng cho dự án, Bộ trưởng nêu rõ sẽ đề xuất thành lập một quỹ, gói tín dụng để các ngân hàng có điều kiện bỏ kinh phí vào gói đó, tài trợ cho dự án. Thêm vào đó, Bộ trường Nguyễn Văn Thể mong Quốc hội ủng hộ về lộ trình thu phí và mức giá bình quân của dự án (dự kiến 2.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, với mức ban đầu là 1.500 đồng/km/xe tăng dần lên 3.400 đồng/km/xe).

An Nhiên

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bo-truong-nguyen-van-the-giai-trinh-ve-8-du-an-bot-vuong-nhieu-sai-pham-20171115102717478.htm