Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dồn dập 'truy' tiến độ giải ngân dự án giao thông

Giải ngân chậm phải làm rõ ở đâu, vì sao, giải pháp nào để khắc phục là vấn đề được Bộ trưởng GTVT quyết liệt 'truy' đến cùng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi giao ban tháng 11 của Bộ GTVT diễn ra sáng nay (28/11)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi giao ban tháng 11 của Bộ GTVT diễn ra sáng nay (28/11)

Điểm rõ các dự án chậm giải ngân

Mở đầu buổi giao ban Bộ GTVT tháng 11/2019 diễn ra sáng nay (28/11), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quyết liệt đề cập đến tiến độ giải ngân.

"Tiến độ giải ngân là một trong những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay. Ngay từ đầu năm, chúng ta đã họp bàn, giao chỉ tiêu sớm. Tuy nhiên, đến nay, kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu. Thời gian còn lại là lúc để tăng tốc, phấn đấu hoàn thành tốt nhất có thể kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng nói.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay, đến hết tháng 11/2019, Bộ GTVT giải ngân được 12.057 tỷ đồng, tương đương 42% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao (28.737 tỷ đồng); 40,8% kế hoạch giải ngân cả năm là 29.541 tỷ đồng. So với dự kiến giải ngân đã xây dựng, kết quả giải ngân đạt thấp hơn số dự kiến 5.989 tỷ đồng (12.057/18.046 tỷ đồng).

Riêng trong tháng 11/2019, ông Lâm cho biết, Bộ GTVT đã giải ngân thêm được 2.652 tỷ đồng, thấp hơn 282 triệu đồng so với kế hoạch giải ngân tháng (2.934 tỷ đồng) và chưa bù được số 5.707 tỷ đồng chậm giải ngân đến hết tháng 10/2019.

Đánh giá kết quả giải ngân từng nguồn vốn, theo ông Lâm, vốn nước ngoài giải ngân được 4.313/6.630 tỷ đồng, đạt 65,1%. Bên cạnh một số ít dự án có kết quả giải ngân tiến triển tốt như: LRAMP, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; một số dự án ODA lớn, tiến độ giải ngân tháng 11/2019 đạt thấp như: đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, kết nối MêKông, QL217 giai đoạn 2, cầu yếu giai đoạn 2.

Đối với vốn ngân sách, Bộ GTVT mới giải ngân được 2.362/6.535 tỷ đồng, đạt 36,1%. Tuy nhiên, số kế hoạch chưa giải ngân chủ yếu của các dự án do Tổng công ty Đường sắt VN quản lý mới được giao kế hoạch (507 tỷ đồng, trong đó 445 tỷ để thanh toán nợ đọng XDCB 62 tỷ đồng để tiếp tục triển khai các dự án cầu yếu trên đường sắt Bắc - Nam…) và số vốn chưa đủ điều kiện thông báo cho VEC đang đề nghị chuyển sang thu hồi vốn ứng trước kế hoạch (1.421 tỷ đồng).

Về vốn TPCP, số tiền giải ngân cũng chưa cao, chỉ đạt 32,9% (giải ngân 5.382/16.375 tỷ đồng). Trong số này, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giải ngân được 2.429/7.062 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch. Các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách giải ngân được 1.480/3.055 tỷ đồng, đạt 48,4%.

“Kết quả giải ngân nguồn vốn này đạt thấp là do chưa chi trả được nhiều cho công tác GPMB, chưa đấu thầu xong hoặc đã đấu thầu nhưng chưa tạm ứng được hợp đồng của các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách”, ông Lâm phân tích.

7 dự án trọng điểm có nguy cơ chậm tiến độ

Liên quan đến việc triển khai các dự án trọng điểm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho hay, có 5 công trình tiến độ cơ bản đảm bảo theo yêu cầu gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 2, hầm đường bộ Đèo Cả; dự án Cảng Lạch Huyện; cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn và 7 dự án nằm trong nhóm chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ (trong đó Bộ GTVT quản lý 3 dự án, TP Hà Nội quản lý 1 dự án, tỉnh Tiền Giang quản lý 1 dự án và TP.HCM quản lý 2 dự án).

Ông Thành cũng liệt kê cụ thể 7 cái tên “ì ạch” về tiến độ gồm: cao tốc Bến Lức - Long Thành (sản lượng toàn dự án đạt khoảng 77,46% chậm 11,63%); Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng sản lượng toàn dự án đạt khoảng 17,5%, chậm - 27%); Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 98% khối lượng thiết bị, đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu); Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Bộ GTVT đã hoàn thành công tác tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về việc triển khai dự án, và dự thảo báo cáo Chính phủ tổng thể dự án và điều chỉnh hiệp định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo); Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tiến độ chung dự án mới đạt trên 63% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022).

Cái tên cuối cùng được ông Thành nhắc đến là 2 dự án đường sắt đô thị TP. HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương.

“Trong tháng 11/2019, UBND TP.HCM đã ban hành các quyết định điều chỉnh dự án làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo. Trong đó, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có TMĐT điều chỉnh là 43,757 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành trong 2021. Tuyến Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 47.890 tỷ đồng, hoàn thành trong 2026”, ông Thành thông tin.

Yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải quản chặt tiến độ dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, tiến độ là quan trọng nhưng chất lượng dự án còn quan trọng hơn.

“Phải làm rõ trách nhiệm của giám đốc các ban QLDA, chấn chỉnh công tác giám sát dự án”, Bộ trưởng nói và chỉ rõ, tư vấn giám sát phải sát sao tại công trường, giám chặt chẽ từng khâu, từng công đoạn, có như vậy mới quản được chất lượng.

T.Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-nguyen-van-the-don-dap-truy-tien-do-giai-ngan-du-an-giao-thong-d443569.html