Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Một số ngành nghệ thuật cần có sự đầu tư của Nhà nước

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa Thế thao và Du lịch (VHTT&DL), cần đưa một số ngành nghệ thuật vào lĩnh vực sự nghiệp công và có sự đầu tư của nhà nước.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VHTH&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, ngành VHTT&DL là ngành khá rộng, từ văn hóa, con người là nền tảng tinh thần của xã hội đến lĩnh vực kinh tế. “Đây là ngành vừa có cơ sở hạ tầng, vừa có kiến trúc thượng tầng nên luôn có nhiều vấn đề và vấn đề nóng”, Bộ trưởng Thiện bày tỏ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về việc những chính sách để khuyến khích nghệ sĩ sáng tác, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến văn nghệ sĩ. Một số lĩnh vực cũng đã được cấp nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động sáng tác. Tuy nhiên hiện nguồn kinh phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu của văn nghệ sĩ.

Chính vì vậy quan điểm của Bộ nếu nguồn ngân sách có điều kiện, Đảng và Nhà nước cũng nên dành sự quan tâm nhiều hơn đối với văn nghệ sĩ. Lấy ví dụ có những ngành văn hóa nghệ thuật ở các trường 5 năm nay không tuyển được sinh viên nào.

Bên cạnh đó, việc truyền nghề của những lớp nghệ sĩ đi trước chưa được quan tâm, công tác phát triển nguồn nhân lực chưa được chú trọng nên đã dẫn đến thực trạng nhiều đơn vị không có những gương mặt nghệ sĩ trẻ để dàn dựng tác phẩm và ảnh hưởng nhiều tới sức sáng tạo của các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

 Một cảnh trong vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính

Một cảnh trong vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính

Về việc đại biểu Cần Thị Mẫn (Thanh Hóa) đưa ra ý kiến liên quan đến công tác xã hội hóa trong lĩnh vực biểu diễn còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Thiện khẳng định đối với lĩnh vực biểu diễn, xã hội hóa vô cùng khó khăn. Ông cho rằng thực tế, chỉ những hoạt động có khán giả mới xã hội hóa được, còn lĩnh vực nghệ thuật truyền thống cần phải bảo tồn và Nhà nước cần chú trọng đầu tư.

“Ví dụ như đoàn chèo đi địa phương chỉ thu được 20 triệu đồng, chưa bằng một buổi biểu diễn ca sĩ đi hát, thì Nhà nước cần phải quan tâm, đưa các lĩnh vực mà Nhà nước cần phát huy vào sự nghiệp công, ưu tiên ưu đãi học phí, chế độ", Bộ trưởng nói.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về tình trạng hiện tượng nghệ sĩ nổi tiếng làm việc ở các trường, đoàn thể đang có xu hướng tách ra ngoài làm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận có tình trạng này nhưng cho rằng không phải là phổ biến.

“Đây là việc không vui nhưng phải chấp nhận”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, giải pháp là phải tạo được môi trường để các nghệ sĩ phát huy được tài năng, đổi mới xây dựng cơ chế chính sách, nghiên cứu bổ sung tài chính, huy động toàn xã hội quan tâm vào phát triển văn hóa nghệ thuật, tăng cường hợp tác quốc tế, chăm lo đời sống của nghệ sĩ.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/giai-tri/van-hoa/bo-truong-nguyen-ngoc-thien-1-so-nganh-nghe-thuat-can-co-su-dau-tu-cua-nha-nuoc-301658.html