Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Du lịch không phải 'ngôi sao cô đơn'

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện có 4 điểm nghẽn cản trở du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc hạ tầng hàng không quá tải, nhân lực chất lượng cao...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội Sáng 6/6, Bộ trưởng Thiện tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan tới quản lý nghệ thuật biểu diễn, các địa điểm và hình thức du lịch.

Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Minh Quân.

Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Minh Quân.

08:29 06/06

Vụ chùa Ba Vàng, nếu đủ cấu thành tội phạm sẽ xử lý hình sự bà Phạm Thị Yến

Sáng 6/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục phiên “đăng đàn”, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hiện hành vi mê tín dị đoan, Bộ trưởng Văn hóa dẫn điều 24 Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, không ai được xâm phạm hay lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.

Theo ông, bản chất của tôn giáo là tốt đẹp, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu của nhân dân, xã hội luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên vừa qua có một số cá nhân lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật.

Với vấn đề này, ông Thiện cho biết pháp luật sẽ xử lý và dư luận xã hội sẽ lên án vì vi phạm đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ông cũng cho biết Bộ Văn hóa sẽ thực hiện một số giải pháp như tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản ngăn ngừa mê tín dị đoan, lên án, phê phán hành vi mê tín dị đoan.

Nhắc đến trường hợp bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Chủ tịch TP Uông Bí đã xử phạt hành chính với bà Yến mức cao nhất là 5 triệu đồng. “Và nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan”, ông Thiện nói.

Nêu giải pháp, ông cho rằng cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra vi phạm trong hoạt động văn hóa. Với các văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa mê tín dị đoan thì có Luật Tôn giáo tín ngưỡng, cấm lợi dụng tôn giáo để trục lợi, và một số nghị định quy định mức xử phạt hành chính. Ông Thiện cho rằng nếu làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý thì hiện tượng như đại biểu nêu sẽ giảm bớt và chấm dứt.

08:31 06/06

Bà Phạm Thị Yến: Nữ sinh giao gà bị sát hại do 'ác nghiệp kiếp trước' Bà Phạm Thị Yến, với những lời lẽ độc ác, cho rằng nữ sinh giao gà tại Điện Biên bị sát hại do "đã gây ác nghiệp từ kiếp trước, kiếp này cũng sát sinh".

08:32 06/06

'Kiếp trước làm quan chèn ép người khác thì kiếp này bị down, bại não' Thuyết giảng trước hàng trăm phật tử, bà Phạm Thị Yến cho rằng sinh sống thời chiến tranh, bệnh tật hay cả giới tính của kiếp này đều do nghiệp từ kiếp trước.

08:33 06/06

'Đã xử lý hành chính kịch khung với vi phạm của bà Yến' Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết trong quá trình làm việc với chùa Ba Vàng, sư trụ trì đã cố tính che giấu hành vi thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ.

08:36 06/06

Đại biểu: Xử phạt bà Phạm Thị Yến quá nhẹ

Tranh luận với Bộ trưởng Thiện vào chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh có việc tuyên truyền mê tín dị đoan ở Ba Vàng, gồm có hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, các hoạt động này tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp đến người khác qua mạng xã hội. Bà cho rằng việc xử phạt rất nhẹ.

“Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét lại với vai trò quản lý ngành xử phạt đúng người đúng tội chưa, có cần thiết cơ quan pháp luật truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi. Bà cũng muốn biết giải pháp chống tái diễn tình trạng trên như thế nào, vì sau khi bị xử phạt thì bà Yến tiếp tục tuyên truyền đưa lên mạng, thách thức cơ quan pháp luật.

08:39 06/06

Hàng loạt điểm nghẽn cản trở du lịch phát triển

Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng về điểm nghẽn cũng như giải pháp đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu điểm nghẽn đầu tiên về hạ tầng.

“Hiện sân bay của chúng ta đang quá tải, khách đến nhiều sân bay phải đợi rất lâu khi làm thủ tục, nếu tăng lượng khách lên 20-30% rất khó”, ông Thiện nêu thực tế.

Một điểm nghẽn nữa là vấn đề thị thực, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Chỉ số năng lực cạnh tranh của ta còn thấp, nếu không tháo gỡ thì du lịch khó tăng trưởng mạnh.

Về điểm nghẽn về xúc tiến quảng bá, Bộ trưởng Văn hóa nêu thực tế chúng ta đầu tư còn ít, trong khi các nước khác đầu tư cao hơn rất nhiều. Đặc biệt, văn phòng đại diện quảng bá du lịch ở nước ngoài ta hầu như không có, trong khi như Thái Lan có 28 văn phòng ở nước ngoài.

“Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao của ta còn hạn chế, nhất là nhà quản lý khách sạn 4 sao, 5 sao đều phải thuê người nước ngoài”, ông Thiện nói.

Ông Thiện cũng khẳng định “Du lịch không phải ngôi sao cô đơn” như đại biểu nói. Ông cho rằng để du lịch phát triển cần sự vào cuộc của toàn xã hội, tháo gỡ vướng mắc để ngành du lịch đạt kết quả. Bộ trưởng Thiện mong các ngành, các cấp quan tâm hơn nữa để du lịch phát triển, sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau phần trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc Bộ trưởng Thiện nói gọn và nhanh hơn vì còn nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn.

08:46 06/06

Về tiềm năng du lịch, Bộ trưởng Thiện nói đã trình Chính phủ quy hoạch 7 vùng du lịch để các địa phương quy hoạch du lịch trên địa bàn. Ông cũng chia sẻ hiện vấn đề liên kết đang còn gặp hạn chế như liên kết về hạ tầng, sản phẩm.

“Để làm tốt thì các cấp chính quyền cần có sự phối hợp với nhau, như với miền Trung thì Quảng Bình, Huế, Quảng Trị phải liên kết chặt chẽ với nhau để thu hút du lịch”, ông Thiện nói.

Về vấn đề phát triển nóng trong du lịch, ông Thiện thừa nhận có những vấn đề cần giải quyết. Ông thông tin Thủ tướng đã ban hành 2 chỉ thị để tăng cường điểm đến cho du lịch, tăng cường an ninh, an toàn cho du lịch. Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan thực hiện tốt.

08:48 06/06

Về chất vấn của đại biểu Tống Thanh Bình về quản lý tiền công đức, Bộ trưởng Văn hóa cho biết hiện có Thông tư 04 của hai bộ Nội vụ và Văn hóa về quản lý tiền công đức.

08:49 06/06

Phim ngoại đang lấn át phim nội

Đối với câu hỏi của đại biểu Triệu Thế Hùng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 240 phim ngoại mà không có hạn ngạch nhập khẩu phim, trong khi phim nội chỉ có 40 phim. Ông thừa nhận tình trạng phim ngoại đang lấn áp phim nội.

Bộ trưởng Thiện đưa ra giải pháp dùng hàng rào kỹ thuật, tức phải kiểm duyệt nội dung phim trước khi công chiếu; thứ 2 là số buổi chiếu phim Việt tại rạp phải đạt 20%, chú trọng đầu tư, phát triển nội dung phim.

Về vấn đề chủ đầu tư nhiều dự án khu du lịch biến những di sản thành lợi ích tư nhân, ông Thiện cho rằng ông không biết di sản nào đang trong tình trạng trên. Tuy nhiên, ông khẳng định theo quy định, các khu di tích, di sản văn hóa của nhà nước phải có nguồn thu từ phí, lệ phí để nộp vào ngân sách Nhà nước và tiền công đức.

08:50 06/06

Nghệ sĩ nổi tiếng ra ngoài làm việc, “không vui nhưng phải chấp nhận”

Trả lời câu hỏi về việc nghệ sĩ nổi tiếng ra ngoài làm việc và giải pháp làm sao để giữ lại, ông Thiện thừa nhận tình trạng này và cho biết không phải phổ biến. “Chúng ta không vui nhưng phải chấp nhận sự lựa chọn này”, ông Thiện nói.

08:52 06/06

Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng vụ chùa Ba Vàng

Đại biểu Lê Trường Giang (tranh luận) và nói Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng chất vấn của đại biểu, khi chỉ nói đến trách nhiệm của địa phương mà không nói đến trách nhiệm quản lý của ngành. Về trả lời của Bộ trưởng liên quan vụ chùa Ba Vàng, đại biểu cho rằng cùng chưa thỏa đáng. “Bộ trưởng nói vi phạm đó xử lý ở mức cao nhất rồi. Nếu quy định chưa phù hợp thì phải sửa”, đại biểu đề nghị.

Theo ông, hành vi của bà Phạm Thị Yến là vi phạm hình sự chứ không phải vi phạm hành chính với 2 lý do: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truyền bá mê tín dị đoan.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp cũng cho rằng riêng vấn đề này, Bộ trưởng đã trả lời nhiều nhưng thật sự chưa thỏa đáng. “Đề nghị Bộ trưởng phối hợp với địa phương phối hợp trả lời thỏa đáng”, bà Ngân nói.

08:53 06/06

Không có “kinh doanh chùa”

Về câu hỏi đại biểu có “kinh doanh chùa” hay không, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tham gia trả lời và cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có quy định về kinh doanh chùa.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định cũng chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để vụ lợi. Tuy nhiên thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng vào niềm tin của nhân dân, của phật tự để hoạt động mê tín dị đoan và trục lợi, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội.

Có một số đại biểu nêu tình trạng công chức góp tiền xây chùa để kinh doanh, song Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định hiện chưa phát hiện trường hợp cán bộ công chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi. Theo quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp. Thời gian qua việc xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo cũng nằm trong các dự án do nhân dân đóng góp.

08:59 06/06

Bộ trưởng Nội vụ báo cáo vụ chùa Ba Vàng

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết từ ngày 20/3 đến 28/3, các cơ quan chức năng gồm Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành xác minh, làm rõ và báo cáo Chính phủ nội dung này.

Ông cho biết qua kiểm tra xác minh phản ánh của các lực lượng chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất xác định những sai phạm pháp luật và giới luật của phật giáo, từ đó đưa ra các giải pháp. Theo Bộ trưởng Nội vụ, sau khi xử lý vụ việc trên, dư luận xã hội đã lắng xuống. Đa số đồng tình với quyết định xử phạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương.

Ông cho rằng việc xử lý kịp thời này đã tạo được niềm tin đối với các tăng ni phật tử và quần chúng nhân dân.

Để khắc phục tình trạng trên và tăng cường quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ tập trung một số nhiệm vụ như tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo.

Bên cạnh đó, không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm lệch chuẩn về đạo đức, phản văn hóa, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Tiếp đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến tín ngưỡng tôn giáo cho người dân, các chức sẵn tôn giáo và người tu hành; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên ngành trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực tôn giáo.

09:06 06/06

“Không có chùa nào nằm ngoài vòng quản lý”

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) gửi tới Bộ trưởng Văn hóa câu hỏi và giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong phòng ngừa mê tín dị đoan, xuất phát từ công tác tổ chức phòng ngừa mê tín dị đoan chưa đồng bộ hiệu quả, quản lý chưa đạt như mong muốn.

Trước ý kiến về một số đại biểu phản ánh về một số nghi lễ như dâng sao, giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa trong thời gian qua; có ý kiến đại biểu nêu về loại hình chùa BOT, chùa xây dựng có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức, với tư cách một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ phật giáo, và trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông khẳng định tất cả chùa trên cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội phật giáo các địa phương cùng nhân dân xây dựng quản lý.

“Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt, khẳng định không có chùa nào có sự góp vốn, đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu với một cụm từ rất mới là BOT”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Ông cũng thừa nhận có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng những hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa, có ứng xử chưa phù hợp với các phật tử đến lễ chùa đều đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc.

“Giáo hội phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật”, ông khẳng định.

09:09 06/06

Đề nghị Chính phủ trả lời “ai sở hữu chùa”

Tranh luận với Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trước hết chia sẻ việc gia đình ông mấy đời theo đạo Phật và luôn tôn trọng các tôn giáo, hoạt động tâm linh tín ngưỡng chân chính. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ cho biết một vấn đề mà nhân dân đang lúng túng chưa hiểu, đó là “các chùa do ai sở hữu”. Đại biểu cũng đặt hàng loạt câu hỏi “Người sở hữu làm gì để bảo đảm không có vụ lợi cá nhân? Nếu có vụ lợi thì quy định luật pháp nào để quản lý? Kinh nghiệm các nước quản lý nguồn thu thế nào cho đúng pháp luật và chân chính?”.

Theo ông, truyền thống bao đời nay là có công đức tự nguyện, từ người nghèo đến người giàu có thiện chí ủng hộ xây cái này, tặng cái kia đều không vụ lợi, không nhằm khai thác vì lợi ích cá nhân. Vì thế, Chính phủ cần trả lời quản lý sở hữu công trình tâm linh thế nào, nguồn thu ra sao để đáp ứng nhu cầu tâm linh chân chính, bảo đảm thăm chùa chiền không bị "chặt chém" bởi việc lợi dụng tâm linh.

09:11 06/06

Sẽ có sản phẩm du lịch thể thao với giải đua xe F1

Trước ý kiến của đại biểu cho rằng sản phẩm du lịch nghèo nàn nên khó thu hút du khách, lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam thấp..., Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Việt Nam có 4 dòng sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch biển, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Số lượng sản phẩm như vậy là còn ít, chưa đa dạng.

Dự báo sản phẩm du lịch tương lai, Bộ trưởng cho rằng đó du lịch thể thao. Dự kiến năm 2020 Việt Nam có giải đua xe F1, cùng với việc đăng cai một số giải thể thao tầm khu vực tạo thành dòng sản phẩm mới thu hút du khách quốc tế và trong nước. Việc đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao là một trong giải pháp để du khách quay lại Việt Nam nhiều hơn.

09:44 06/06

Mê tín dị đoan, suy cho cùng là do thiếu hiểu biết

Giải trình thêm một số vấn đề trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để cập đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Ông khẳng định chúng ta phải phản đối, lên án đấu tranh mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Theo Phó thủ tướng, các vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề này không chỉ là pháp luật mà còn liên quan đến tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò tổ chức tôn giáo. Phó thủ tướng cũng nhắc lại chủ trương của Đảng, Nhà nước là tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tạo điều kiện để hoạt động tôn giáo tín ngưỡng đúng quy định.

Trên góc độ văn hóa, Phó thủ tướng cho rằng một khi văn hóa vào Việt Nam sẽ có sự ảnh hưởng qua lại với nét truyền thống của cộng đồng dân cư, dân tộc. Với những truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng không phù hợp, ta cần vận động để loại bỏ dần.

Theo Phó thủ tướng, mê tín dị đoan suy cho cùng là thiếu hiểu biết. Vì thế, phải chú ý giáo dục văn hóa, nâng cao dân trí, để người dân hiểu những hành vi đúng tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với những hành vi không phù hợp ta cũng phải xử lý “có lý, có tình”.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác nêu gương người tốt việc tốt, phân tích cặn kẽ văn hóa để giảm cái xấu, tăng cái tốt. Ông Đam kêu gọi giữ gìn, phát huy những thứ tốt đẹp của dân tộc, tôn giáo mình đang theo và cầu thị, khoa học để ứng xử cho phù hợp.

09:47 06/06

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đối với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Theo thống kê, đã có 34 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 9 đại biểu tham gia tranh luận. Ngoài ra, còn 32 đại biểu chưa có thời gian đặt câu hỏi tại hội trường sẽ gửi câu hỏi đến Bộ trưởng và nhận câu trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tư lệnh ngành văn hóa cơ bản nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc trong dư luận, nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại và cũng đã đề xuất những giải pháp. Bà nhấn mạnh văn hóa, thể thao, du lịch đóng vai trò quan trọng trong xã hội bởi vấn đề này liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần, thể chất của người dân. Thời gian qua, lĩnh vực này cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần tạo nên sức mạnh, nâng cao vị thế quốc gia.

Đối với những bức xúc trong nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ sớm thực hiện giải pháp khắc phục cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chua-phat-hien-cong-chuc-gop-tien-xay-chua-de-kinh-doanh-truc-loi-post953696.html