Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Chính phủ có dám chấp nhận chuyển đổi sang nền kinh tế số không?'

Phiên thảo luận 'Tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao' diễn ra chiều 17/1/2019 tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ với chủ đề 'nền kinh tế số' của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019

Ông Hùng nói: “Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu khó đảo ngược, bởi đời sống thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Và khi, chuyển đổi sang nền kinh tế số, viễn thông và công nghệ thông tin sẽ là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm khoảng cách nông thôn và thành thị”.

Theo ông, trong mấy năm gần đây, nền kinh tế số đang được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ dù còn tự phát và lý do là người Việt thích ứng nhanh với sự thay đổi. Tuy nhiên, ông cho rằng, khi cách mạng toàn dân phổ cập công nghệ số, sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế với tốc độ nhanh.

“Vấn đề là Chính phủ có dám chấp nhận sự thay đổi hay không? Nếu chấp nhận mô hình kinh doanh mới nhưng chậm thì không có tác dụng. Đây là cuộc cách mạng về chính sách chứ không đơn thuần là cách mạng công nghệ", Bộ trưởng nói.

"Phải đi trước, còn đi sau và đi cùng là mất cơ hội”, ông Hùng phấn khích. Ông cũng nêu lên một thực tế ở Thái Lan là quốc gia này đã nhanh chóng đổi tên “Bộ Viễn thông và Công nghệ thông tin” thành “Bộ Kinh tế và xã hội số” đã 3 năm nay. Ông Hùng cho biết thêm, Chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia và dự kiến ban hành trong năm 2019.

Đề án này chỉ rõ “ai, phải làm gì, trong bao lâu và làm cách nào” để chuyển đổi số thành công sang nền kinh tế số. “Khởi nghiệp công nghiệp số, phát triển công nghệ số, công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề, ở đó có công nghệ. Công nghệ số sinh ra mô hình và phương thức kinh doanh mới và chúng sẽ thay thế mô hình, phương thức truyền thống mà Grab hay fintech là một ví dụ”, ông Hùng nhấn mạnh. Và ông cũng cho rằng, vấn đề là cpop có dám chấp nhận mô hình kinh doanh mới hay không, nếu có thì phải đi trước chứ đi sau cũng không mấy giá trị.

Bởi, số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng công nghệ. Đặc biệt, ông đề cao yếu tố tiếp cận chính sách. Ở đó, nếu tiếp cận theo kiểu truyền thống, quản được thì mở, quản đến đâu, mở đến đó, không quản được thì đóng thì không bao giờ thành công.

“Các quốc gia phát triển thường áp dụng mô hình Standbox, nghĩa là những vấn đề chưa biết quản lý thế nào thì cho thử nghiệm trong một quy mô nhất định, sau đó mới mở rộng. Cùng đó là hình thành khung chính sách, quy định pháp lý. Đó là cách tiếp cận phù hợp của cuộc cách mạng 4.0”, ông Hùng cho hay.

Hoàng Lan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-chinh-phu-co-dam-chap-nhan-chuyen-doi-sang-nen-kinh-te-so-khong-20180504224218799.htm