Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo Kết quả chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Kính thưa Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Chủ tọa Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6.

Kính thưa Ngài Samdech Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia.

Kính thưa Ngài Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Kính thưa Ngài Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.

Kính thưa Ngài Henry Van Thio, Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma.

Kính thưa Ngài Pray-ut Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan.

Kính thưa Ngài Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Thưa đại diện các đối tác phát triển

Thưa quý vị đại biểu,

Thưa quý Bà và quý Ông,

Hôm nay tôi rất vinh dự được đại diện cho Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) báo cáo kết quả của Chương trình hợp tác kinh tế GMS trong hơn 25 năm qua cũng như các kết quả đạt được của Chương trình hợp tác GMS kể từ Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 5 tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan vào năm 2014.

Thưa Quý vị Đại biểu,

Chúng ta đang chứng kiến sáng kiến Chương trình hợp tác kinh tế GMS ngày càng phát triển trong hơn 25 năm qua, cả về chiều rộng và chiều sâu. Mặc dù đã có nhiều sáng kiến về hợp tác và hội nhập khu vực, nhưng Chương trình hợp tác kinh tế GMS vẫn là sáng kiến nổi bật, có các chương trình, dự án và hoạt động hợp tác ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các nước GMS. Chúng ta đã đạt được thành tựu ở nhiều lĩnh vực hợp tác, tạo ra sự kết nối sâu, rộng, thông qua các dự án kết nối về hạ tầng giao thông, điện năng, du lịch, phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực.v.v...; củng cố rõ nét các kết nối cộng đồng và góp phần tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế thuộc tiểu vùng Mê Công mở rộng.

Sau đây tôi xin trình bày các kết quả đạt của Chương trình hợp tác kinh tế GMS trong thời gian gần đây, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như định hướng chiến lược hợp tác, kết nối, cạnh tranh và xây dựng cộng đồng của hợp tác GMS.

Thứ nhất, về những định hướng chiến lược tổng thể:

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo GMS sẽ xem xét, phê duyệt Kế hoạch hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022, đề ra những định hướng chiến lược và các hoạt động ưu tiên đã được điều chỉnh cho 5 năm tới của Khung chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022.

Nhằm triển khai Kế hoạch hành động Hà Nội, Bộ trưởng các nước GMS đã thông qua Khung đầu tư khu vực GMS đến năm 2022 bao gồm 01 danh mục chương trình, dự án cuốn chiếu với 227 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn trị giá khoảng 66 tỷ USD.

Thứ hai, về kết nối của hợp tác GMS:

Một là, trong kết nối giao thông, nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng đã hoàn thành hoặc đang được triển khai, trong đó có thể kể đến một số cầu đường bộ thiết yếu kết nối Lào - Myanmar, kết nối Việt Nam - Trung Quốc, các nhánh, tuyến đường bộ thuộc hành lang kinh tế phía Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc – Lào; Trung Quốc – Thái Lan và một loạt tuyến cao tốc đường bộ tại Lào và Việt Nam.

Hai là, Chiến lược giao thông GMS đến năm 2030 đã được các nước GMS xây dựng và phê duyệt, trong đó đề xuất những định hướng và các nguyên tắc hợp tác nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu và vượt qua những thách thức hiện tại cũng như trong tương lai về hợp tác giao thông GMS.

Hiệp hội đường sắt khu vực GMS đã đi vào hoạt động, các tuyến đường sắt khu vực GMS được mở rộng và kéo dài dọc theo các tuyến hành lang kinh tế GMS để kết nối thủ đô, các trung tâm kinh tế chính của các nước GMS với hệ thống giao thông đường biển quan trọng của khu vực GMS.

Ba là, về hạ tầng “mềm” trong việc tạo thuận lợi hóa cho giao thông và thương mại:

Việc hoàn thiện kết nối hạ tầng “mềm” đóng vai trò quan trọng trong kết nối hạ tầng giao thông. Trước khi tổ chức Hội nghị Thượng định GMS lần thứ 5 năm 2014, tất cả các nước thành viên GMS đã phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA) cùng với các Phục lục và Nghị định thư đi kèm.

Việc các nước GMS ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” của Hiệp định GMS-CBTA đã cho phép các phương tiện chuyên chở được đi lại giữa các nước GMS. Tháng 5 năm 2018, hoạt động thí điểm về giao thông qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được tiến hành để triển khai thực hiện “Thu hoạch sớm” của Hiệp định GMS-CBTA.

Công tác kiểm tra một điểm dừng đã được áp dụng tại cửa khẩu Lao Bảo – Dansavanh giữa Việt Nam và Lào từ năm 2015. Đồng thời, đã tiến hành các nghiên cứu về thời gian xử lý thủ tục tại một số nước GMS nhằm hỗ trợ các cơ quan hải quan nâng cao hiệu quả tại các cửa khẩu trong khu vực GMS.

Hiệp hội Đường sắt và Hiệp hội vận tải khu vực GMS đã có nhiều đóng góp tích cực và được đánh giá cao trong việc hỗ trợ và đề xuất các giải pháp phát triển ngành công nghiệp dịch vụ Logistic GMS.

Về kết nối năng lượng và điện năng, các nước GMS đang tiếp tục tích cực phối hợp để xây dựng một cơ chế điều phối và hợp tác bền vững trong lĩnh vực điện năng. Việc trao đổi mua bán điện năng song phương giữa các nước GMS tiếp tục được mở rộng với hai dự án đang triển khai là đường dây truyền tải điện 220KV nối giữa Ban Hatxan với Pleiku và Trạm biến áp 500KV Nabong.

Thứ ba, về năng lực cạnh tranh:

Trong lĩnh vực Nông nghiệp, Chiến lược thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường và Kế hoạch hành động Siêm Riệp giai đoạn 2018-2022 đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp các nước GMS lần thứ 2, tổ chức vào tháng 9 năm 2017, nhằm tăng cường những lợi thế cạnh tranh của các nước GMS thông qua hội nhập chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho các nông hộ nhỏ, phụ nữ nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực GMS.

Trong lĩnh vực Du lịch, việc thực hiện các chương trình hợp tác du lịch đa dạng và việc tăng cường hơn nữa vai trò của Văn phòng điều phối du lịch Mê Công đã góp phần tăng lượng khách du lịch lên 60 triệu khách vào năm 2016. Chiến lược ngành Du lịch GMS và Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2025 đã được thông qua vào năm 2017 nhằm định hướng hoạt động hợp tác về quản lý điểm đến du lịch một cách bền vững, cân bằng và cạnh tranh hơn. Các nước GMS đang phối hợp cùng nhau để để phát triển Văn phòng điều phối du lịch Mê Công trở thành một tổ chức liên chính phủ.

Trong lĩnh vực phát triển đô thị và khu vực biên giới, Khung chiến lược phát triển đô thị GMS giai đoạn 2015-2022 đã được thông qua năm 2015. Một Nhóm công tác về phát triển đô thị GMS đã được thành lập vào năm 2016 để giám sát công tác phát triển đô thị và phát triển các khu kinh tế khu vực GMS. Danh mục các dự án phát triển đô thị và khu vực biên giới cũng đang có tiến triển tốt, với 03 dự án do ADB tài trợ đã được phê duyệt và đang được thực hiện.

Trong lĩnh vực Thương mại điện tử, đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng kể từ khi Ngài Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất thành lập Diễn đàn hợp tác thương mại điện tử qua biên giới khu vực GMS tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 5. Trong khuôn khổ của Diễn đàn hợp tác Thương mại điện tử qua biên giới GMS được tổ chức tại sự kiện Diễn đàn các hành lang kinh tế GMS lần thứ 7, nhiều hoạt động liên quan đã được triển khai. Liên minh doanh nghiệp của Diễn đàn hợp tác Thương mại điện tử qua biên giới GMS đã được thành lập vào tháng 1 năm 2016, với sự hỗ trợ và hợp tác của các doanh nghiệp tư nhân, các cơ quan Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp GMS.

Thứ tư, về xây dựng cộng đồng:

Trong lĩnh vực Phát triển nguồn nhân lực, đã tiến hành đánh giá Kế hoạch hành động và Khung chiến lược nhằm đưa ra các khuyến nghị về việc tập trung vào lĩnh vực y tế và triển khai thành lập Nhóm công tác về hợp tác y tế. Nhóm công tác về hợp tác y tế đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 12 năm 2017 và sẽ tiếp tục thảo luận về việc xây dựng Chiến lược hợp tác Y tế GMS.

Trong lĩnh vực môi trường, các Hội nghị Bộ trưởng Môi trường lần thứ 4 và lần thứ 5 đã được tổ chức vào năm 2015 và 2018, trong đó, các Bộ trưởng Môi trường GMS đã thông qua Khung chiến lược Chương trình môi trường trọng điểm giai đoạn 2018-2022, nhằm cơ cấu chương trình theo hướng giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, phát huy các cơ hội tăng trưởng xanh, phân cấp hơn nữa việc thực hiện của các nước thành viên GMS, tập trung việc trao quyền quản trị chương trình cho Nhóm công tác về môi trường GMS.

Chúng ta ghi nhận sự tiếp tục hỗ trợ về mặt tài chính và kiến thức của các Đối tác phát triển, trong đó, ADB đã cung cấp 1,65 tỷ USD từ nguồn vốn riêng của ADB cho các dự án GMS trong 03 năm vừa qua và hỗ trợ huy động 773 triệu USD từ các Đối tác phát triển khác. Các tổ chức tài chính phát triển mới được thành lập gần đây cũng đã bày tỏ mối quan tâm lớn đối với khu vực GMS như: Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN v.v…

Ngoài ra, sự tham gia của khu vực tư nhân ngày càng tăng, thông qua các hoạt động của Hội đồng Kinh doanh GMS, bao gồm việc khởi xướng thành lập Hiệp hội vận tải giao thông GMS, Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân khu vực Mê Công (MBI), Liên minh doanh nghiệp Diễn đàn hợp tác Thương mại điện tử qua biên giới GMS.

Thưa Quý vị Đại biểu,

Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng trong 3 năm vừa qua theo lộ trình của nguyên tắc “3C” hướng tới tầm nhìn về một tiểu vùng công bằng, thịnh vượng và hội nhập.

Chúng ta tin tưởng rằng, với tính thực tiễn và tinh thần “không có gì là không thể”, Chương trình hợp tác kinh tế GMS sẽ tiếp tục thành công trong một tương lai đầy thách thức.

Một lần nữa, Tôi xin chúc quý vị mạnh khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin cám ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=39385&idcm=387