Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - Những khó khăn và thách thức

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, giới chuyên gia lẫn truyền thông Mỹ đều nhấn mạnh đến mối quan hệ bất thường giữa hai người, với câu phản ứng khá nặng của Bộ trưởng Ngoại giao đối với Tổng thống.

Điểm lại một năm ngắn ngủi đảm đương chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ của ông Tillerson và xem lại những trang sử nước Mỹ, giới chuyên gia cho rằng vai trò Ngoại trưởng Mỹ luôn đối mặt với những khó khăn, thách thức mà không phải ai cũng vượt qua được.

Vai trò quyền lực của Bộ trưởng Ngoại giao

Trong hệ thống quyền lực của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao là vị trí hàng thứ tư có thể lên kế vị tổng thống nếu chiếc ghế tổng thống bị khuyết trong nhiệm kỳ, và đã từng một thời được xem là vị trí quyền lực nhất trong nội các. Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có 4 người da màu từng làm Bộ trưởng Ngoại giao, còn lại đều là người da trắng.

Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tại Nhà khách Pae Kha Hawon ở Pyongyang ngày 23-10-2000.

Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên là ông Thomas Jefferson, một trong những nhà lập quốc của Mỹ, giữ chức từ tháng 3-1790 đến ngày 31-12-1793. 8 năm sau, ông trở thành Tổng thống thứ ba của nước Mỹ.

Sau ông Jefferson, nhiều người đã thẳng tiến từ Bộ trưởng Ngoại giao trở thành Tổng thống Mỹ. Có thể kể ra như James Madison, Bộ trưởng Ngoại giao thứ 5, đã trở thành Tổng thống thứ 4; James Monroe, Bộ trưởng Ngoại giao thứ 7, trở thành Tổng thống thứ 5; và Martin Van Buren, Bộ trưởng Ngoại giao thứ 10, trở thành Tổng thống thứ 8.

Những người khác, như Edmund Muskie, William H. Seward và William Jennings Bryan cũng có tham vọng làm Tổng thống Mỹ nhưng không đạt được. Có những người khác nữa không có tham vọng làm tổng thống, chỉ mong ước làm nhà nghiên cứu, sử gia, như Philander Chase Knox (nhiệm kỳ 1909-1913), hay như Edward Reilly Stettinus (1944-1945).

Đó là thời kỳ từ khi thành lập nước Mỹ cho đến trước Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong phần lớn thời kỳ hiện đại, vai trò Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ được định nghĩa bởi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nhiều Bộ trưởng Ngoại giao - trong đó có những vị nổi bật như George C. Marshall, Dean Acheson và John Foster Dulles - đã có công lớn trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu hình thành.

Cuộc đấu tranh toàn diện đó cũng kéo theo những cuộc chiến quy mô nhỏ hơn cấp khu vực, như cuộc chiến xâm lược miền Nam Việt Nam. Ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk của Tổng thống John F. Kennedy đã không mặn mà với việc can thiệp, xâm lược Việt Nam. Nhưng rốt cuộc ông cũng phải triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia: can thiệp, xâm lược Nam Việt Nam.

Ông Colin Powell.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, phong cách diều hâu, hiếu chiến của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã được khai sinh từ thời Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Richard Nixon. Kissinger được biết đến nhiều nhất trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao khi ông góp công lèo lái chính sách đối ngoại Mỹ xích lại gần với Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng tranh cãi rằng liệu ông Kissinger có xứng đáng với công lao này hay không. Được mọi người thừa nhận là bộ óc sáng giá trong chính sách đối ngoại Mỹ, nhưng một số người lại cho rằng chính ông đã phá hỏng thiện cảm của người dân Mỹ đối với chính sách đối ngoại Mỹ. Thậm chí, nhiều người theo cánh tả ở Mỹ còn cáo buộc ông là “tội phạm chiến tranh”.

George P. Schulz - người hiệu quả nhất

Các chuyên gia về lịch sử ngoại giao Mỹ đã thống nhất bình chọn ông George P. Schulz - Bộ trưởng Ngoại giao thời Tổng thống Ronald Reagan - là người đảm đương vai trò này hiệu quả nhất trong thời Chiến tranh Lạnh. Steve Sestanovich thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho rằng ông Schulz là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cuối cùng thật sự làm chủ chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Chính ông đã điều phối thành công sự dịch chuyển trong mối quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô, trong khi vẫn để tâm đến chính sách ở Đông Á, Mỹ Latinh và Nam châu Phi. “Schulz làm Bộ trưởng Ngoại giao trong 6 năm rưỡi, và ông đã tạo ra sự khác biệt lớn” - nhận xét của Sestanovich.

Đầu thập niên 1980, khi căng thẳng đã lên đến tột đỉnh, Liên Xô đã trong tư thế sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nóng, thì chính Schulz đã thể hiện vai trò chủ chốt giữ cho các nước Tây Âu khỏi bị rối loạn hàng ngũ. Đến cuối thập niên đó, Schulz đã gặt hái được thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp ngoại giao của mình: kiến tạo việc ký kết Hiệp ước Kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (IRNFT) giữa Tổng thống Reagan với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987, từ đó dẫn đến việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Mỹ.

“Schulz có tài điều phối khi Tổng thống Reagan không bắt nhịp được với chính sách đối ngoại, vì thế Reagan tin tưởng ông” - nhận xét của giáo sư Walter LaFeber ở Đại học Cornell, Mỹ.

Bà Condoleezza Rice.

Madeleine Albright và thế giới đa cực

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ tự thấy mình ở một vị thế chưa từng có trước đây: siêu cường duy nhất của thế giới. Đối đầu căng thẳng với Liên Xô đã định hình chính sách đối ngoại Mỹ từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Vì vậy, các bộ trưởng ngoại giao Mỹ sau Chiến tranh Lạnh phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với một thế giới không còn người đối đầu như Liên Xô trước đây nữa. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đang bắt đầu đưa những quốc gia vốn xa cách nghìn dặm trước đây xích gần nhau hơn.

Giới nghiên cứu nhận định, trong bối cảnh thế giới đa cực và công nghệ thông tin, viễn thông phát triển ồ ạt, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn, phức tạp hơn, phải có tầm nhìn phù hợp thời đại để thúc đẩy các lợi ích quốc gia. Madeleine Albright, Bộ trưởng Ngoại giao nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bill Clinton và là nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ, đã thành công trong việc điều hành chính sách đối ngoại Mỹ trong bối cảnh thế giới mới này.

Bà Albright hiểu rằng trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, điều cần nhất là làm sao thể hiện một nước Mỹ “làm chủ thế giới tự do” theo một cách rất khác. Và bà đã làm được, đã phô diễn được sức mạnh của nước Mỹ trên phạm vi thế giới.

Albright đã tiến hành những việc cụ thể, rất thực tế, dưới các chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để áp đặt sức mạnh Mỹ, các giá trị tự do kiểu Mỹ ở những nơi có sự đối đầu với nước Mỹ. Nhưng “tự do” của Albright không êm dịu, không nhẹ nhàng theo đúng nghĩa của nó.

Bà sẵn sàng can thiệp vào nội tình nước khác để truyền bá chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ, như làm ầm lên vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc; tiến hành các cuộc tập trận với các quốc gia từng là thành viên Liên Xô trước đây và khuyến khích các kỹ sư Liên Xô cũ bỏ quê hương ra đi để làm việc cho nước Mỹ. Năm 2000, Albright đã từng đến thăm CHDCND Triều Tiên trong nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ bỏ các vụ thử tên lửa.

Powell, Rice, Clinton và Kerry

Dưới thời các Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, các Bộ trưởng Ngoại giao buộc phải đấu đá với lãnh đạo các cơ quan khác trong nội bộ chính quyền Mỹ - như Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và cả Nhà Trắng - để giành quyền kiểm soát chính sách. Sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên khủng bố Al Qaeda và các cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng ở Afghanistan và Iraq. Trong tình hình đó, các cơ quan trên càng can thiệp sâu hơn vào công tác hoạch định chính sách đối ngoại.

Vấn đề quân sự chiếm phần rất lớn trong chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ này. Trong bối cảnh như thế, Bộ trưởng Ngoại giao không chỉ đi theo chính sách chung mà luôn luôn cần phải khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao trong các hoạt động đối ngoại.

Đánh giá về các Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell và Condoleezza Rice (thời Tổng thống W. Bush), Hillary Clinton và John Kerry (thời Tổng thống Obama), chuyên gia Steve Sestanovich thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng tất cả họ đều gặp vấn đề khó khăn trong việc giành quyền kiểm soát chính sách đối ngoại.

Ông John Kerry.

Thời đại của họ, các cơ quan khác trong bộ sậu an ninh của nước Mỹ - đặc biệt là Bộ Quốc phòng và CIA - cạnh tranh quyền kiểm soát chính sách một cách gay gắt; Bộ Quốc phòng lấn lướt Bộ Ngoại giao sử dụng nắm đấm quân sự để khẳng định vị thế “sen đầm” của nước Mỹ trong trật tự thế giới mới, còn CIA thì quân sự hóa ngày càng mạnh mẽ, sử dụng vũ lực nhiều hơn nghiệp vụ tình báo để hỗ trợ triển khai chính sách đối ngoại. Chính vì vậy mà cái cần làm cho tốt thì CIA đã không làm được.

Ông Powell, người da đen đầu tiên làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, được các chuyên gia đánh giá là mạnh nhất trong 4 người, đã từng bị “sụp hố” do các lợi ích xung đột nội bộ như thế, mà cụ thể là bị chính sự tắc trách của CIA gây nên. Đó là khi ông công bố một báo cáo chi tiết về các chương trình vũ khí của Iraq mà Liên Hiệp Quốc chưa từng nghe nói tới từ năm 2003. Bài phát biểu của ông dựa trên nguồn thông tin tình báo mà chính những người cung cấp cho ông biết rõ là thông tin không đáng tin cậy. Về sau Powell thừa nhận bài phát biểu đó là một điểm trừ trong sự nghiệp của ông.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Ngoại trưởng Tillerson với Tổng thống Trump có thể xem là một trong những vấn đề cùng “hệ” với những người đi trước ông. Nhưng, giáo sư LaFeber nhấn mạnh, điều bất thường ở đây là việc hai người đã công khai thể hiện sự mất lòng tin lẫn nhau. Trong lịch sử Mỹ chỉ có duy nhất một trường hợp tương tự, đó là quan hệ giữa Tổng thống Abraham Lincoln với Ngoại trưởng William H. Seward.

Ngoại trưởng Seward cũng từng đánh giá Tổng thống Lincoln theo cách tương tự như cách ông Tillerson nói về Tổng thống Trump. (Seward từng nói Tổng thống Lincoln “chẳng biết gì về đối ngoại”.) Nhưng ngay cả trường hợp lịch sử đó cũng không giúp giải thích được khó khăn mà ông Tillerson đã gặp phải. Mặc dù bị xem là đã điều hành Bộ Ngoại giao không đúng cách và tự mình làm khó mình, chí ít Tillerson cũng được giới chuyên gia nhìn nhận là đang tìm cách sửa chữa những vấn đề mà nước Mỹ đang gặp phải, những vấn đề mà chính Tổng thống Trump đang làm cho trở nên trầm trọng thêm.

Giáo sư LaFeber kết luận: “Ông Trump quá khác biệt so với các tổng thống Mỹ trước đây, đặc biệt là chính sách đối ngoại. Và Tillerson chính là nạn nhân của sự khác biệt ấy”.

An Châu (theo New York Times)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/bo-truong-ngoai-giao-my-nhung-kho-khan-va-thach-thuc-484008/