Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, không thể nói khác

Đến nay vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về quy định liên quan đến xe công nghệ khi một bên cho rằng xe công nghệ không phải là hoạt động kinh doanh vận tải và một nhóm ý kiến trái ngược.

Ảnh minh họa (Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn)

Ảnh minh họa (Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn)

Câu chuyện gây chú ý giữa taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe như Grab, Uber… đó là vấn đề "định danh" mô hình mới.

Trong khi một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã "gọi tên" và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp đối với những mô hình hoạt động như Uber, Grab...thì Việt Nam vẫn chưa quyết định được.

Trao đổi bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua về loại hình xe công nghệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục lấy ý kiến để sớm hoàn thiện quy định việc sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có nội dung liên quan đến xe công nghệ.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải là cấp thiết, nếu không sẽ tụt lùi. Cùng với đó, các quy định của nhà nước trong lĩnh vực này cũng phải tạo ra sự cạnh tranh công bằng.

"Làm sao cũng phải tăng cường các giải pháp để quản lý doanh nghiệp dùng công nghệ trong hoạt động vận tải, nhất là trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước", Báo Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đến nay, sau 6 lần chỉnh sửa, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ Giao thông Vận tải vẫn phải đưa ra 2 phương án.

Cụ thể, sau khi lấy ý kiến từ nhiều cơ quan đã nhận được phải hồi theo hai nhóm. Nhóm thứ nhất, Tổ công tác của Chính phủ, các hiệp hội taxi yêu cầu hoạt động của Grab (xe dưới 9 chỗ thí điểm hợp đồng điện tử) cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là loại hình "Hợp đồng điện tử" vì không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ. Toàn bộ ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử thì phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định kinh doanh của taxi.

Nhóm ý kiến thứ hai do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số chuyên gia kinh tế đề nghị xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định taxi điện tử.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nay trên thị trường có rất nhiều ứng dụng đặt xe khác nhau như: Grab, Go-Việt, FastGo,… Những ứng dụng này cách thức hoạt động cũng khác nhau, trong đó có đơn vị cung ứng nền tảng kết nối đồng thời trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; quyết định giá cước vận tải. Do vậy họ tự xác định là doanh nghiệp vận tải và họ có đăng ký kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, cũng có đơn vị chỉ cung cấp nền tảng kết nối cho các doanh nghiệp vận tải, không can thiệp vào việc điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước; vì vậy họ tự xác định chỉ là đơn vị công nghệ.

Tuy nhiên do Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa làm rõ vấn đề này nên có đơn vị lúc thì nói chỉ là cung ứng dịch vụ kết nối; lúc thì nói là kinh doanh vận tải; lúc thì nhận là cùng đơn vị vận tải hợp tác kinh doanh, dẫn tới khe hở lớn về trách nhiệm duy trì điều kiện kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế...

Đại diện này cho rằng dự thảo Nghị định lần này cần làm rõ những vấn đề còn vướng mắc.

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bo-truong-mai-tien-dung-xe-cong-nghe-la-don-vi-kinh-doanh-van-tai-khong-the-noi-khac-20190604103921593.htm