Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Sẽ triệt tiêu được nạn tham nhũng vặt'

Trong quá trình xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) Văn phòng Chính phủ đã nỗ lực tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố 6 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVCQG từ ngày 1/7/2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố 6 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVCQG từ ngày 1/7/2020.

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể khái quát một số kết quả chính trong việc cải cách thủ tục hành chính trong việc đưa dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia?

Sự hưởng ứng, tham gia, vào cuộc ngày càng tích cực của các bộ, ngành ở trung ương và địa phương trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, tính đến 29/6/2020, đã có hơn 179,6 nghìn tài khoản đăng ký, tăng hơn gấp 2 lần so với quý I/2020; có hơn 46,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ, cũng tăng gấp 2 lần so với quý I/2020, tương ứng mỗi tháng có khoảng 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.

Hiện nay, đã có hơn 10,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 154 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG, tăng gấp 11 lần so với quý I/2020, trung bình mỗi tháng Cổng tiếp nhận, xử lý hơn 46.000 hồ sơ trực tuyến, mỗi ngày tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ.

Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng đã đưa vào vận hành từ tháng 3/2020, đến nay sau 3 tháng triển khai, đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 6 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đã có hơn 2,1 nghìn lượt giao dịch thành công, số giao dịch này sẽ tiếp tục tăng khi số lượng các bộ, địa phương và số lượng dịch vụ công tích hợp thanh toán trực tuyến tăng.

Bên cạnh đó, Cổng cũng đã tiếp nhận, xử lý hơn 6,7 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 15,1 nghìn cuộc gọi tới tổng đài. Như vậy, sau 7 tháng đưa vào vận hành, với dấu mốc là dịch vụ tích hợp số 725, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với quý I/2020 (tháng 12/2019 là 8 dịch vụ và tháng 3/2020 là 161 dịch vụ), trung bình mỗi quý thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến.

Ước tính việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được công bố trên Cổng DVCQG có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, doanh nghiệp tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.

Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG có giảm được tình trạng “tham nhũng vặt”, mãi lộ không, thưa Bộ trưởng?

Sẽ giảm được. Đúng như tinh thần của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là rất minh bạch trong thực thi công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông. Khi thực hiện điều này, chúng ta sẽ đánh giá ngay được hiệu quả và những điều tiếng của cảnh sát giao thông sẽ giảm vì không còn tiếp xúc, không gặp gỡ với người vi phạm giao thông nữa.

Và đương nhiên sẽ triệt tiêu được những tiêu cực mà người dân vẫn gọi là tham nhũng vặt. Tất nhiên trong quá trình làm thì phải cải tiến từng bước, nhưng tôi tin chắc rằng làm được việc trên thì người dân sẽ không còn tiếp xúc với công an giao thông nữa và sẽ ít có điều kiện để gặp gỡ cán bộ công vụ.

Khi người vi phạm giao thông đã rõ lỗi vi phạm, đã bị lập biên bản rồi, có quyết định xử phạt rồi thì người dân nộp tiền và lấy giấy tờ luôn thay vì cơ quan cảnh sát hẹn ngày đến lấy giấy tờ.

Phải nói thêm rằng, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG thì chủ trương chung của Thủ tướng là lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu trung tâm phục vụ của Chính phủ. Việc này thực hiện minh bạch, cải cách thể chế, giám sát.

Cụ thể là một người làm, nhưng rất nhiều người giám sát. Tất cả những việc làm sai trái, không đúng sẽ được người dân, báo chí, cơ quan giám sát, phản ánh.

Điều quan trọng nữa là người thi hành công vụ không cần biết người đó là ai, quen ở đâu, không gặp vì tất cả đã được xử lý trên môi trường điện tử. Ngay như ở Văn phòng Chính phủ bây giờ là “phi giấy tờ”. Nếu trước đây các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp phải chờ văn bản của Chính phủ thì nay có chờ cũng không có, vì Văn phòng Chính phủ không phát hành văn bản giấy.

Khi Thủ tướng đã ký một văn bản chỉ đạo nào đó thì chỉ trong ít phút văn bản đó đã đến tất cả các nơi theo địa chỉ nhận rồi.

Ngày 1/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã công bố 6 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVCQG bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Cấp mới, đổi giấy phép lái xe mức độ 4; Nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông; Nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông; Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/bo-truong-mai-tien-dung-se-triet-tieu-duoc-nan-tham-nhung-vat-20200701191453291.htm