Bộ trưởng Lê Thành Long kết thúc tốt đẹp chuyến công tác các tỉnh phía Nam

Trong các ngày từ 26/11 đến 1/12/2018 Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu đã đến làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, Bình Dương; dự Hội nghị triển khai công tác Thi hành án dân sự, hành chính năm 2019 của các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Kon Tum. Bộ trưởng cũng đã đến thăm và làm việc với các đơn vị thuộc Bộ khu vực phía Nam.

Bộ trưởng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác THADS, hành chính TP Hồ Chí Minh

Bộ trưởng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác THADS, hành chính TP Hồ Chí Minh

Trên cương vị Đại biểu Quốc hội Đoàn Kiên Giang, Bộ trưởng cũng đã có các cuộc tiếp xúc cử tri huyện U Minh Thượng, trực tiếp giải đáp, tháo gỡ nhiều vấn đề cử tri quan tâm.

Tư pháp: cần phát huy nguồn lực hiện có

Tại các cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bộ trưởng đã cám ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự (THADS) để hai lĩnh vực này đạt nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ trưởng làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai

Tuy nhiên, mặc dù là những địa phương có bề dày thành tích, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực tư pháp song Thường trực Tỉnh ủy các địa phương cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn, tồn tại. Ví dụ ở Đồng Nai khó khăn trong các lĩnh vực như luật sư, thừa phát lại, giám định tư pháp, THADS…Còn ở Bình Dương là tình trạng quá tải trong công việc của cán bộ tư pháp; tình trạng thôi việc, nghỉ việc, thiếu biên chế...vì nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân khó khăn trong đời sống, chế độ đãi ngộ dù đã có nhiều cải thiện nhưng chưa tương xứng.

Ghi nhận các phản ánh này, Bộ trưởng Lê Thành Long đã đề nghị Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh, trong phạm vi thẩm quyền, bố trí thêm nguồn nhân lực cho cơ quan tư pháp, có cơ chế hỗ trợ đội ngũ cán bộ công chức ngành tư pháp và THADS trong tỉnh. Trước đề nghị này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đã yêu cầu hai ngành sớm có văn bản trình chính thức để Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét. Bí thư cũng chỉ đạo hai Sở Nội vụ và Tài chính rà soát lại các chính sách hỗ trợ trên cơ sở cái gì hợp lý, tỉnh sẽ tìm cách xử lý, giải quyết. Đồng thời sẽ báo cáo tiến độ các công việc nói trên với Bộ Tư pháp. Còn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng nai Đinh Quốc Thái cũng cam kết sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Tư pháp, THADS tham gia nhiều hơn vào các công việc của địa phương, khẳng định vị thế trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương

Đối với ngành Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng căn dặn Tư pháp phải nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế, từ xây dựng, ban hành đến tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời phải gắn trách nhiệm nhiều hơn nữa cho người đứng đầu các sở ngành khi ban hành văn bản, chứ không chỉ “đổ dồn” cho một mình Sở Tư pháp.

Đặc biệt, Tư pháp phải bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh công việc nhiều, quỹ biên chế ít, trong khi vẫn phải thực hiện tinh giảm, Bộ trưởng cũng lưu ý Tư pháp địa phương phải biết phát huy nguồn lực hiện có, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng; nâng cao năng lực chuyên môn cho các bộ, công chức; hun đúc, khơi dậy lòng yêu ngành yêu nghề. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Thi hành án dân sự: Lãnh đạo Cục, Chi cục phải gương mẫu đi đầu

Dự Hội nghị triển khai công tác Thi hành án dân sự, hành chính năm 2019 của các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Kon Tum, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong công tác năm 2018 của các địa phương này. Trong khi lượng án ngày càng tăng cao về số lượng việc và tiền, song các địa phương bằng nhiều giải pháp, đã nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao. Trong 4 địa phương nói trên, thì có đến 3 địa phương hoàn thành cả 4 chỉ tiêu do Tổng cục THADS giao.

Mặc dù vậy, địa phương cũng phản ánh với Bộ trưởng nhiều khó khăn: hành lang pháp lý đã bộc lộ nhiều bất cập; biên chế liên tục bị cắt giảm; kinh phí không tăng; trụ sở làm việc, trang thiết bị, kho vật chứng…nhiều nơi còn thiếu thốn. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành pháp luật về THADS của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng chây ỳ, chống đối, thậm chí tấn công cán bộ THADS vẫn còn nhiều, trong khi chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập.

Lắng nghe, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các cán bộ, chấp hành viên THADS, Bộ trưởng cũng ghi nhận, giải đáp, lưu ý các tỉnh nhiều vấn đề. Trong đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2019, Bộ trưởng yêu cầu THADS tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai một cách thiết thực, hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ; tiếp tục duy trì những kết quả đạt được trong năm 2018, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu về việc, tiền, góp phần vào kết quả chung của toàn Hệ thống; tăng cường kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra và tự kiểm tra; Tập trung kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các cơ quan THADS trên địa bàn. Bộ trưởng cũng đề nghị Lãnh đạo Cục THADS, các Chi cục THADS gương mẫu đi đầu, phải sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, thường xuyên trực tiếp kiểm tra, giám sát CHV tổ chức thi hành án.

Trong công tác nghiệp vụ, cần tập trung cao độ giải quyết các vụ án lớn, thu hồi triệt để những tài sản liên quan đến đại án ngân hàng, tham nhũng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác THADS.

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định để công tác THADS phát triển bền vững thì ngành THADS cần bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các Sở, Ban, Ngành.

Về những khó khăn trong đời sống của các cán bộ thi hành án, Bộ trưởng thấu hiểu, chia sẻ và động viên anh em tiếp tục gắn bó với ngành. Trong phạm vi thẩm quyền, về cơ chế chính sách Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Cũng trong chuyến công tác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kiên Giang đã có buổi tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri sau kỳ hợp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Tại đây, ngoài tiếp nhận thông tin về kết quả từ kỳ họp thứ 6, nhiều cử tri trên địa bàn đã bày tỏ mối quan tâm về nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống, trong đó có vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp,tình trạng phân bón giả; bất cập trong giải quyết các vấn đề của người có công với cách mạng, tình trạng lâm tặc, cát tặc” đang đang hoành hành ở các địa phương; vấn nạn tham nhũng…

Bộ trưởng giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Sau khi lắng nghe ý kiến của bà con cử tri, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ghi nhận và thông tin đến bà con nhiều vấn đề quan trọng. Nói về vấn đề “lâm tặc, cát tặc” hoành hành, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định hiện tại pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về xử phạt đối với vấn đề này. Pháp luật cũng có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp khai thác rừng, lâm sản, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp khai thác tài nguyên. Đặc biệt, Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể về tội khai thác rừng trái phép. Đồng thời, Bộ trưởng còn cho biết, trong các kỳ họp, Thủ tướng cũng liên tục đôn đốc về vấn đề này.

Về vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Quốc hội vừa thông qua Luật Phòng chống tham nhũng. Đây là Luật rất khó, Quốc hội đã xem xét và lắng nghe trong 3 kỳ họp. Trong đó, vấn đề xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc thì đang có những phương án rất khác nhau.

Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề phân bón giả, Bộ trưởng cho biết, Nghị định 55/2018/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón trong sản xuất buôn bán hàng, chế tài đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đối với tổ chức. Ngoài ra, còn có các xử phạt bổ sung, có thể thu hồi giấy phép, đóng cửa cơ sở kinh doanh. Đối với hàng giả là phân bón có thể phạt tù và những hình phạt bổ sung.

Cũng trong chuyến công tác, Bộ trưởng đã đến thăm và làm việc với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội một số địa phương.

Thăm và làm việc với các đơn vị thuộc Bộ khu vực phía Nam, trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng chúc mừng sự thành công của Báo Pháp luật Việt Nam trong thời gian qua và nhấn mạnh, Báo Pháp luật Việt Nam một mặt cần tiếp tục thực hiện tôn chỉ mục đích nhưng mặt khác ở vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, Báo cần đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền các hoạt động của Bộ, ngành đến với người dân.

Bộ trưởng dặn dò cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam phải tránh xa các cạm bẫy, luôn giữ vững lập trường và đạo đức người làm báo. Cùng với đó, Bộ trưởng chúc Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội và cho ngành Tư pháp.

Thu Hằng (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/bo-truong-le-thanh-long-ket-thuc-tot-dep-chuyen-cong-tac-cac-tinh-phia-nam-427058.html