Bộ trưởng Lê Thành Long: 'Hoạt động của Cục Kiểm tra VBQPPL đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật'

Hôm nay (9/8), Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (05/8/2003 - 05/8/2018) và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp này, Báo PLVN đã phỏng vấn đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật đã đạt được trong công tác kiểm tra VBQPPL qua chặng đường 15 năm?

- Qua 15 năm kể từ ngày thành lập, với chức năng ban đầu là giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về kiểm tra VBQPPL và tổ chức kiểm tra VBQPPL thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp, đến nay, bên cạnh công tác kiểm tra văn bản, Cục Kiểm tra VBQPPL được giao đảm nhiệm thêm nhiều công tác khác của Bộ Tư pháp về hậu kiểm VBQPPL là: Rà soát văn bản VBQPPL; hợp nhất, hệ thống hóa VBQPPL; pháp điển hệ thống QPPL. Tổ chức bộ máy, nhân lực của Cục được củng cố, kiện toàn để đảm bảo hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự nỗ lực, phấn đấu của công chức Cục Kiểm tra VBQPPL, hoạt động kiểm tra VBQPPL nói riêng, công tác của Cục Kiểm tra VBQPPL nói chung đã không ngừng được nâng cao chất lượng, hiệu quả, có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.

Đánh giá chung trong toàn quốc, công tác kiểm tra VBQPPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào thực chất hơn. Các bộ, ngành, địa phương đã coi trọng, quan tâm, chỉ đạo về tổ chức, nhân lực và các điều kiện đảm bảo khác cho công tác kiểm tra văn bản, tăng cường việc tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền, qua đó đã phát hiện, xử lý được rất nhiều văn bản trái pháp luật, ngăn chặn việc áp dụng quy định trái pháp luật gây tác động tiêu cực đối với xã hội.

Tại Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra VBQPPL với vai trò là tổ chức nòng cốt, chuyên trách về công tác này đã từng bước bảo đảm được việc tiếp cận, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền một cách kịp thời, có hệ thống theo ngành, lĩnh vực, bám sát thực tiễn ban hành VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các văn bản liên quan rộng rãi, trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật luôn được tiến hành cẩn trọng, đảm bảo tính chính xác trong phát hiện và quyết liệt, hiệu quả trong xử lý, giúp cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật nhận thức rõ các sai sót để xử lý kịp thời, ngăn ngừa hậu quả, mặt khác góp phần giúp người dân và dư luận xã hội hiểu đúng, đầy đủ các khía cạnh quy định của pháp luật.

Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật thể hiện sự tích cực, kịp thời về phản ứng chính sách của Bộ Tư pháp trước những văn bản chưa phù hợp, nhất là những văn bản được dư luận xã hội quan tâm. Hoạt động kiểm tra văn bản thời gian qua cũng đã từng bước gắn kết với các hoạt động xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, tạo sự đồng bộ trong việc phát hiện, kiến nghị xử lý văn bản sai phạm.

Có thể thấy, công tác kiểm tra VBQPPL ngày càng thể hiện được vai trò, tác dụng trực tiếp, hữu hiệu để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời có tác động mạnh mẽ tới hoạt động xây dựng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật ban hành văn bản, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản, đặc biệt là phương pháp, cách thức đảm bảo phát hiện nhanh, xử lý kịp thời và triệt để văn bản trái pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và mong muốn của người dân, xã hội.

-Rà soát, hệ thống hóa VBQPPL là việc rất quan trọng và cần thiết nhằm phát hiện, xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Bộ trưởng có nhận xét gì về công tác nêu trên trong thời gian qua?

- Quá trình thể chế hóa các yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội đòi hỏi hệ thống pháp luật nước ta thường xuyên có sự thay đổi, hoàn thiện. Trong bối cảnh đó, cùng với công tác giám sát, kiểm tra VBQPPL thì rà soát, hệ thống hóa VBQPPL là công tác quan trọng góp phần tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước được Chính phủ giao, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn tích cực, chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định của Chính phủ.

Qua công tác kiểm tra, theo dõi, Bộ Tư pháp thấy rằng, về cơ bản các công tác này đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện có nền nếp; nhiều cơ quan thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục VBQPPL còn hiệu lực thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước của mình để tạo thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật. Đồng thời với việc rà soát thường xuyên các VBQPPL (khi phát sinh căn cứ rà soát) các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả trong hoạt động rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn theo yêu cầu quản lý nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khắc phục các mặt còn hạn chế, thực hiện nghiêm túc quy định về rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nhằm kịp thời loại bỏ nhanh nhất, tối đa nhất các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ rà soát thường xuyên và định kỳ hàng năm công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực theo quy định.

Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là tổ chức thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua đó công bố đầy đủ các VBQPPL còn hiệu lực, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, giúp công tác xây dựng và thực hiện pháp luật được thuận tiện, hiệu quả.

- Sau 5 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, xin Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được và định hướng của Bộ Tư pháp trong thời gian tới?

- Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL (tháng 4/2012), Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành để ban hành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện công tác pháp điển, bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng thành công Bộ pháp điển - văn bản chính thức của Nhà nước thể hiện một cách hệ thống, đầy đủ nhất các QPPL đang có hiệu lực do cơ quan nhà nước ở TƯ ban hành.

Xây dựng Bộ pháp điển là một việc làm mới và khó, nhưng thông qua việc hướng dẫn, phối hợp của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác pháp điển như bố trí biên chế, kinh phí, tổ chức tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện cho các công chức được giao nhiệm vụ… Công tác pháp điển đã và đang đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Đến hết năm 2017, Chính phủ đã thông qua 67 đề mục, vượt tiến độ 300% so với lộ trình xây dựng Bộ pháp điển mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong thêm 27 đề mục và đang được Bộ Tư pháp trình Chính phủ xem xét thông qua. Qua việc pháp điển, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 3.000 văn bản trên tổng số khoảng hơn 10.000 VBQPPL của TƯ, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Mặc dù đến nay Bộ pháp điển mới được xây dựng xong một phần nhưng đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực. Nhiều luật sư, doanh nghiệp đã coi Bộ pháp điển là một công cụ hữu ích và thường xuyên khai thác, sử dụng trong giải quyết công việc của mình.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác pháp điển các đề mục, hướng tới mục tiêu hoàn thành Bộ pháp điển sớm hơn so với lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời tập trung thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển nhằm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống. Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ lắng nghe, tổng hợp ý kiến góp ý từ xã hội để nghiên cứu, hoàn thiện Bộ pháp điển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công tác quản lý hệ thống pháp luật của cơ quan nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bình An (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/bo-truong-le-thanh-long-hoat-dong-cua-cuc-kiem-tra-vbqppl-dong-gop-quan-trong-trong-viec-hoan-thien-va-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-406470.html