Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và ASEAN+3: Hợp tác khôi phục nền kinh tế

Tại Hội nghị ASEAN trực tuyến đặc biệt, các Bộ trưởng đã cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực thảo luận khả năng thiết lập một cơ chế hợp tác mang tính Công - Tư giữa các Bộ trưởng với Cộng đồng doanh nghiệp để có thể cùng xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư trong khu vực.

Ngay khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 đặc biệt trực tuyến về ứng phó với dịch Covid-19 chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi họp báo quốc tế về các kết quả quan trọng của hai Hội nghị.

Chung tay ngăn chặn đại dịch

Thông tin tại Họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để kịp thời ứng phó với việc bùng phát đại dịch Covid-19, với diễn biến phức tạp và khó lường, ASEAN cùng với 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (gọi tắt là ASEAN + 3) đã tổ chức hai hội nghị trực tuyến đặc biệt này. Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc cùng chung tay hợp tác để đối phó và ngăn chặn đại dịch trong khu vực, góp phần ngăn chặn đại dịch trên toàn thế giới.

Theo đó, hai hội nghị đều đề cập đến những vấn đề lớn và những tác động, dự báo còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Quan trọng, trong Tuyên bố chung và Chương trình hành động đều đề cập đến những vấn đề lớn trong những chính sách để đảm bảo hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác, đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch Covid-19 cũng như để khôi phục kinh tế.

Tại Hội nghị ASEAN trực tuyến đặc biệt, các Bộ trưởng đã cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực thảo luận khả năng thiết lập một cơ chế hợp tác mang tính Công - Tư giữa các Bộ trưởng với Cộng đồng doanh nghiệp để có thể cùng xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư trong khu vực. Các bên đã đạt được đồng thuận cao về việc ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì và tiến tới hồi phục, thúc đẩy chuỗi cung ứng trong khu vực, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác kinh tế thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo

Riêng với Kế hoạch hành động Hà Nội, các nước đều khẳng định doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực trọng tâm. Vì vậy, tất cả các nước đều khẳng định sẽ tiếp tục các cơ chế chính sách để hỗ trợ thuận lợi nhất cho khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt, các Bộ trưởng đều khẳng định tiếp tục rà soát, bãi bỏ những hàng rào thuế quan cũng như các hàng rào kỹ thuật cản trở cho sự luận chuyển dòng hàng hóa, dịch vụ và tín dụng của các nước trong ASEAN.

Để cụ thể hóa Tuyên bố chung Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3, các nước thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN+3 với những biện pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.

Tạo thuận lợi tối đa cho việc luân chuyển hàng hóa

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, theo nhiều dự báo, cuối năm nay, dịch Covid-19 sẽ có sự quay trở lại của dịch bệnh, chính vì vậy, tất cả Bộ trưởng của ASEAN và ASEAN+3 đều thống nhất mục tiêu cao nhất phải tiếp tục đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo các chương trình hợp tác có hiệu quả về kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, các nội dung tiếp tục tính toán đến các biện pháp để hồi phục nền kinh tế, đảm đảm bảo lợi ích của mỗi quốc gia cũng như các nước đối tác.

“Các quốc gia trong ASEAN và đối tác đều khẳng định đây chính là thời điểm rất quan trọng mà kinh tế toàn cầu và kinh tế khu vực sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về tái cấu trúc những chuỗi cung ứng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN cũng thống nhất tạo thuận lợi tối đa cho việc luân chuyển hàng hóa, đặc biệt là thông qua các hoạt động thương mại, hàng không, đường biển, đường bộ. Đồng thời tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan, bao gồm việc dùng ứng dụng điện tử trong các hoạt động của hải quan cũng như thông quan điện tử, bao gồm cả cấp C/O điện tử và các thủ tục khác cho luân chuyển hàng hóa trong ASEAN và ASEAN +3 và các đối tác.

Các chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu phục vụ đảm bảo phòng chống dịch bệnh như y tế, vật phẩm y tế cũng là những nội dung đã được Việt Nam và các nước ASEAN và ASEAN+3 trao đổi và đề cập, đều thống nhất cao. Một số ngành kinh tế quan trọng của các nước ASEAN có khả năng tham gia hiệu quả trong các chuỗi cung ứng toàn cầu như một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp ô tô… đều được coi là lĩnh vực ưu tiên mà các quốc gia trong ASEAN và các nước đối tác quan tâm. Các nước sẽ tiếp tục tạo cơ chế cho các doanh nghiệp và các tổ chức tham gia chuỗi cung ứng này tiếp tục khôi phục lại sản xuất và cấu trúc lại các chuỗi cung ứng mới ở khu vực và toàn cầu.

Sau hội nghị này, Chính phủ và Bộ trưởng các nước sẽ nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch phù hợp giữa khu vực công và tư. Từ những khuyến nghị này sẽ tiếp tục đưa ra những nội dung cụ thể trong xây dựng chính sách điều hành của các nước. Đặc biệt sẽ tính toán đảm bảo những khuyến nghị, kế hoạch này đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài trong tái cơ cấu lại, đảm bảo bền vững hơn của các ngành kinh tế, chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia ở khu vực và toàn cầu, với vai trò của khu vực doanh nghiệp.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/202006/bo-truong-kinh-te-cac-nuoc-asean-va-asean3-hop-tac-khoi-phuc-nen-kinh-te-2336e5d/