Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội mới

Vừa kế thừa, phát huy kết quả của ngành tài chính giai đoạn vừa qua vừa phát triển nguồn lực tài chính quốc gia, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.

Ủy viên Trung ương Đảng Hồ Đức Phớc vừa được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trước đó, ông đảm nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.

“Đối với tôi, đây là một vinh dự lớn, một nhiệm vụ quan trọng và một trách nhiệm nặng nề” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn.

Định hướng của Đại hội XIII là tiền đề quan trọng

.Phóng viên: Bộ trưởng có thấy áp lực gì không khi chuyển từ cơ quan kiểm toán, chuyên giám sát sang một cơ quan sẽ được kiểm toán, giám sát?

+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Về mặt chuyên môn thì có lẽ tôi cũng không cảm thấy có áp lực nhiều. Bởi theo sự phân công của các cấp có thẩm quyền, tôi đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, đã trực tiếp lãnh đạo quản lý điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý Nhà nước và xây dựng Đảng.

Đặc biệt là năm năm qua, được Quốc hội phê chuẩn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, tôi đã lãnh đạo trực tiếp thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Kiến thức, kinh nghiệm về kinh tế tài chính vĩ mô đó là điểm thuận lợi lớn cho tôi khi đảm nhận trọng trách mới.

. Ngành tài chính trong giai đoạn vừa qua được đánh giá là rất tốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngân sách bền vững hơn…

+ Có lẽ đây là một áp lực thực sự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, bộ trưởng tiền nhiệm Đinh Tiến Dũng và ngành tài chính đã đạt được những thành tựu lớn.

Đơn cử như năm 2020 đầy khó khăn, thách thức như vậy mà thu NSNN vẫn đạt được những con số ấn tượng. Đó là vượt thu 184.000 tỉ đồng. Việc cắt giảm, tiết kiệm NSNN cũng được thực hiện. Các chỉ số về bội chi NSNN, dư nợ công, nợ chính phủ… đều trong phạm vi cho phép.

Còn tính chung giai đoạn 2016 - 2020, ngành tài chính cũng đạt được kết quả ấn tượng. Đó là tổng thu NSNN đạt 100,4%, tương đương 6,89 triệu tỉ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Các kết quả ấy được đánh giá là “rất tích cực” trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều, đặc biệt là năm 2020 nền kinh tế tăng trưởng thấp.

Đây là những áp lực thực sự nhưng cũng là tiền đề, động lực để ngành tài chính trong giai đoạn tới đây nỗ lực hơn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Quốc hội sáng 8-4 đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Ảnh: QH

Quốc hội sáng 8-4 đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Ảnh: QH

.Đại hội XIII của Đảng vừa qua với các chủ trương, định hướng rất quan trọng...

+ Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định “tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Các chỉ tiêu, mục tiêu cho từng giai đoạn 2025, 2030, 2045… cũng đã được vạch ra cụ thể. Ngành tài chính chắc chắn cũng phải dựa vào các định hướng này để tiếp tục phát triển.

Đặc biệt, chúng ta biết định hướng giai đoạn 2021-2030 mà Nghị quyết đề ra là rất cao. Theo đó, phải hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trưởng định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Trọng tâm chính sách và tính trách nhiệm, chuyên nghiệp

.Qua một năm COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta, theo Bộ trưởng những thách thức hiện hữu là gì?

+ COVID-19 còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thế giới cũng như trong nước. Với Việt Nam, COVID-19 ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường quan hệ thương mại. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn hạn chế; dư địa của nguồn lực tài chính và chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng còn gặp khó khăn…

Mặt khác, quản lý thu, sử dụng ngân sách và tài sản công có lúc, có nơi chưa hiệu quả; đầu tư công vẫn còn lãng phí... Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN trước mắt cũng như lâu dài.

Tuy nhiên, như tôi vừa nói ở trên, khó khăn, thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội mới đối với ngành tài chính.

.Vậy Bộ trưởng đặt trọng tâm chính sách như thế nào để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2026 và chiến lược 10 năm 2021-2030 như Đại hội XIII đã đề ra?

+ Trên cơ sở những thành quả đạt được, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đưa ra những chính sách, cơ chế phù hợp, đặc biệt là phải tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.

Bộ Tài chính sẽ phải đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo chính sách tài khóa, cân đối thu chi, giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách; quản lý điều hành Ngân sách và nguồn lực quốc gia hiệu quả nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Đặc biệt, cần phải thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững chắc bằng các chính sách cụ thể.

.Một trong những nền tảng quan trọng là đội ngũ cán bộ, công chức ngành tài chính. Ông sẽ có phương hướng như thế nào?

+ Tôi tin rằng đội ngũ cán bộ công chức toàn ngành tài chính hiện nay đều rất trách nhiệm và chuyên nghiệp. Đây chính là một điều kiện thuận lợi nữa để tôi cùng với toàn ngành có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm và chuyên nghiệp ấy sẽ giúp ngành xây dựng xây dựng và quản lý, điều hành được kế hoạch tài chính – ngân sách cách tích cực. Đương nhiên, sự thận trọng cũng là điều đáng lưu tâm để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII với các mục tiêu như đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói sẽ cùng cán bộ, công chức ngành tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: QH

Tài chính vững mạnh để nâng cao sức chống chọi của nền kinh tế

. Nói gì thì nói, trọng trách của ngành tài chính là phải góp phần tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Bộ trưởng tập trung vào những vấn đề gì để thực hiện nhiệm vụ này?

+ Tôi cho rằng ngành tài chính sẽ phải tiếp tục tham mưu cho Đảng và Chính phủ các giải pháp để cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu tiềm năng. Cạnh đó, phải nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Tất nhiên không chỉ tập trung vào “thu” mà còn phải đảm bảo “chi” NSNN tiết kiệm hiệu quả, cải thiện tích cực chính sách tài khóa.

Những giải pháp tổng hợp như vậy sẽ góp phần tăng sức chống chịu của nền tài chính quốc gia. Nền tài chính quốc gia mạnh thì sức chống chịu của nền kinh tế cũng được nâng lên, mới góp phần thu hẹp trình độ phát triển của Việt Nam so với thế giới trong bối cảnh hội nhập và “bình thường mới”.

. Nghị quyết Đại hội XIII cũng như những yêu cầu hiện nay là phải tiếp tục giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính để giải quyết tình trạng “có nơi còn chưa sử dụng hiệu quả NSNN” như Bộ trưởng đề cập ở trên. Vậy Bộ trưởng sẽ thực hiện yêu cầu này như thế nào?

+ Tôi cho rằng cần phải công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Điều này sẽ làm cho chính sách hoàn thiện hơn, nút thắt của nền kinh tế được tháo gỡ căn cơ hơn, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính – ngân sách cũng sẽ được cải cách hơn.

Trong một “môi trường” thể chế như vậy thì quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được bảo đảm hơn, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng cường hơn. Một cách nào đó, điều này cũng sẽ giúp việc thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa cách tốt hơn.

Khơi dậy nguồn lực xã hội

Trước hết phải tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính; tăng cường hiệu quả công tác phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính - NSNN với quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ công phù hợp.

Đồng thời với đó là đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kế toán kiểm toán…

Các chính sách tài chính bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, thì cốt lõi là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân, coi doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy phát triển.

Phải tập trung, chú trọng khơi dậy và huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội, thông qua thúc đẩy phát triển các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Từ đó xây dựng nguồn lực tài chính quốc gia ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy hội nhập hiệu quả, nâng cao vị thế của nền kinh tế nước ta trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/bo-truong-ho-duc-phoc-thach-thuc-cung-mo-ra-nhieu-co-hoi-moi-977658.html