Bộ trưởng GTVT trả lời về việc di dời trạm BOT T2 QL91

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu di dời trạm sẽ phá vỡ các quy định và phát sinh thêm chi phí khoảng 52 tỉ đồng. Trước mắt sẽ yêu cầu miễn giảm tối đa tiền vé cho người dân sống quanh trạm T2 trên QL91.

Trước kiến nghị của tỉnh An Giang về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cầu Châu Đốc theo hình thức BOT tại cuộc họp với đoàn lãnh đạo tỉnh An Giang do bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng một số dự án giao thông trên địa bàn trong chiều 20.11 tại Hà Nội.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian tới Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh, sửa đổi phù hợp cho công tác huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP giao thông nói chung và dự án BOT cầu Châu Đốc nói riêng.

“Quan điểm của Bộ GTVT là chỉ cho phép nhà đầu tư thu phí hoàn vốn đối với phương tiện ô tô, tuyệt đối không được thu phí xe máy. Các cơ quan liên quan phải rà soát, tính toán lại theo hướng có thể điều chỉnh giảm quy mô cầu từ 12m xuống 9m. Trong tháng 11 và tháng 12, nếu các vướng mắc về quy định mức lãi suất vốn vay được tháo gỡ, xử lý, chúng ta sẽ khởi động được ngay dự án BOT cầu Châu Đốc” – ông Thể cho hay.

Nếu di dời trạm sẽ phá vỡ các quy định và phát sinh thêm chi phí khoảng 52 tỉ đồng

Liên quan đến việc trạm BOT T2 tại QL 91 (ngã ba Lộ Tẻ - Rạch Giá) thuộc địa bàn TP.Cần Thơ, giáp ranh tỉnh An Giang bị đề nghị di dời, Bộ trưởng GTVT cho biết, các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án và vị trí đặt trạm thu phí đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Trước khi xây dựng trạm T2, Bộ GTVT đã lấy ý kiến bằng văn bản và được sự chấp thuận của HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ.

“Hiện nếu di dời trạm sẽ phá vỡ các quy định và phát sinh thêm chi phí khoảng 52 tỉ đồng. Do đó, trước mắt các cơ quan chức năng sẽ rà soát và xem xét miễn giảm tối đa cho người dân có phương tiện xung quanh khu vực trạm T2 và điều chỉnh giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm” – ông Thể chia sẻ.

Để giải quyết được vấn đề còn tồn tại của trạm T2, Vụ Kế hoạch - Đầu tư sẽ phối hợp với đơn vị của tỉnh An Giang chuẩn bị các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến tránh Long Xuyên.

“Khi có tuyến nối từ cầu Vàm Cống đến tuyến tránh TP.Long Xuyên sẽ giải quyết được vấn đề còn tồn tại của trạm T2, bởi các phương tiện lưu thông trên tuyến tránh Long Xuyên sẽ không còn phải qua trạm T2” – Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với PV ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có trả lời về việc giảm giá vé dịch vụ.

Cụ thể, theo ông Xuân, Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát kiến nghị giảm giá qua trạm BOT T2 của tỉnh An Giang.

Vị trí đặt trạm BOT sau khi nâng cấp quốc lộ 91. Đồ họa Zingnews

Về việc di dời trạm BOT T2, Bộ GTVT từng trả lời rằng: "Trường hợp di dời trạm có thể Nhà nước sẽ phải mua lại dự án trong điều kiện hiện nay thì không thể thực hiện được do ngân sách nhà nước hạn hẹp, không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn".

Được biết, cũng trong cuối tháng 9.2017, Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang đã gửi kiến nghị lần thứ 11 liên quan đến việc giảm phí, di dời trạm BOT T2.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh An Giang cho rằng, tuy dự án đầu tư trên địa phận TP.Cần Thơ nhưng trong quá trình thẩm định dự án ban đầu, Bộ GTVT có mời Sở GTVT tỉnh An Giang dự họp. Tại cuộc họp vào ngày 1.11.2013, Bộ chỉ thống nhất đặt một trạm thu phí tại khoảng Km14+770, không có trạm thứ hai tại Km50+050 (T2 – PV) như hiện nay.

Khi trạm T2 đi vào hoạt động, nhân dân và doanh nghiệp phản ứng gay gắt, vì phương tiện tham gia giao thông trên QL 80 qua đoạn QL 91 khoảng 750 mét (tuyến trùng giữa QL 91 và QL80), nhưng phải đóng phí như đi trên toàn tuyến, rất bất hợp lý” - văn bản của Sở GTVT tỉnh An Giang gửi Bộ GTVT phản ánh về vị trí trạm BOT T2 trên QL 91.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 qua địa phận TP.Cần Thơ do Công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang làm chủ đầu tư. Dự án có hai phân đoạn gồm: QL91 đoạn Km14+00 (giao QL91B) đến Km50+889 và QL91B đoạn Km0+000 đến Km 15+793. Tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỉ đồng.

Trên dự án có 2 trạm thu phí gồm trạm T1 được đặt tại Km16+905,83 QL91 và trạm T2 được đặt tại Km50+050 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt – giáp ranh tỉnh An Giang.

Thành An

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bo-truong-gtvt-tra-loi-ve-viec-di-doi-tram-bot-t2-ql91-824282.html