Bộ trưởng GTVT lên tiếng về chuyện 'lôi kéo' nhân lực ngành hàng không

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết có tình trạng các hãng hàng không mới thành lập 'lôi kéo' nhân lực của các hãng hàng không khác.

Tại phiên chất vấn chiều 5/6, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể về chuyện .

"Tôi cho rằng cần có một chính sách đối với hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói rằng những hãng mới thực hiện lôi kéo nhân lực, chỗ này không phù hợp với các quy định của Bộ luật Lao động. Tôi đề nghị phải thực hiện đúng quy định chứ không phải vì câu chuyện đó mà nói rằng người ta làm sai. Phải theo đúng pháp luật", ông thẳng thắn nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Rõ ràng, có một số hãng hàng không tư nhân, chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi để cho các đơn vị này hoạt động. Tuy nhiên hiện nay có tình huống khi phát sinh những hãng mới và mua về nhiều tàu bay, đáng lẽ những doanh nghiệp này phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ nước ngoài hoặc đào tạo nguồn nhân lực. Tình trạng hiện nay là các hãng mới bỏ kinh phí ra lôi kéo nhân lực của các đơn vị khác, trong đó có Hãng hàng không quốc gia Việt Nam nên toàn bộ kế hoạch của Hãng hàng không quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng".

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Nguyễn Văn Thể

Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phải giải trình làm rõ nguồn nhân lực đào tạo như thế nào? Ở đâu? "Còn nếu hãng này mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hãng khác, không phải là mong muốn của bộ nên chúng tôi đang thận trọng xem xét để cho chủ trương và đảm bảo an toàn giữa hãng hàng không của quốc gia cũng như là của tư nhân", ông Thể nói.

Ngành hàng không phát triển nhanh đang khiến lượng phi công trở nên khan hiếm. (Ảnh minh họa: KT)

Tại Hội trường, đại biểu Quốc hội cũng truy trách nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bộ GTVT trong việc các hãng hàng không chậm chuyến, hủy chuyến, cũng như chính sách bồi thường cho hành khách.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết: Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ sống còn, là bộ phận quan trọng đặc biệt của bảo đảm an ninh hàng không quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra nhiều sự cố uy hiếp an toàn hàng không. "Xin Bộ trưởng cho biết quy trình giám sát kiểm tra kỹ thuật máy bay trước khi đưa vào khai thác đã bảo đảm chặt chẽ chưa? Việc tăng chuyến khai thác công suất tối đa của các hãng hàng không có ảnh hưởng đến an toàn bay không?", ông Giang đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Đại biểu Nguyễn Trường Giang dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, vận tải hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhất, bình quân 16,7%/ năm. Trong năm 2018, các hãng đã thực hiện gần 300.000 chuyến bay nhưng đã có 40.000 chuyến bị chậm, 790 chuyến bị hủy, Bộ GTVT đã có nhiều biện pháp hạn chế nhưng 4 tháng đầu năm 2019 tình trạng chậm, hủy chuyến tiếp tục gia tăng. "Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, các giải pháp vừa qua có thực sự hiệu quả và giải pháp trong thời gian tới? Chế tài đối với việc chậm, hủy chuyến đủ mạnh, việc bồi thường và quyền lợi của người tiêu dùng đã bảo đảm hay chưa?", ông Giang hỏi.

Tuy nhiên, do thời lượng phiên chất vấn có hạn, các nội dung này sẽ được "tư lệnh" ngành giao thông trả lời bằng văn bản và gửi đến các đại biểu Quốc hội./.

Trần Ngọc-Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bo-truong-gtvt-len-tieng-ve-chuyen-loi-keo-nhan-luc-nganh-hang-khong-917766.vov